70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, chung sức xây dựng, chiến đấu và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
![]() |
Chiến sĩ Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân kiểm tra hệ thống pháo AK 630 trên tàu. |
Lá chắn thép trên biển
Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể-tiền thân của Quân chủng Hải quân Việt Nam ngày nay.
Sau gần 9 năm xây dựng, đến cuối năm 1963, lực lượng Hải quân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc với các tàu tuần tiễu ven biển, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải..., có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển. Hệ thống ra đa, đài trạm quan sát được bố trí dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Cửa Tùng. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hơn 60 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, những con tàu bí mật, thường gọi là tàu “Không số” đã âm thầm vượt biển Đông, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1962-1972, đoàn tàu “Không số” đã thực hiện gần 170 lần chuyến tàu, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các tàu của Đoàn 125 đã thực hiện 173 lần chuyến, chở 17.475 lượt người và 8.721 tấn vũ khí, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam và chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Một trong những lực lượng huyền thoại của Hải quân nhân dân Việt Nam, nỗi ám ảnh với kẻ địch, là đặc công nước. Chỉ trong 7 năm (1966-1973), tại Cửa Việt-Đông Hà, các chiến sĩ đặc công đã chiến đấu hơn 300 trận, đánh chìm và đánh hỏng 336 tàu thuyền các loại của Mỹ-Ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Đặc biệt, 64 liệt sĩ đã nằm lại rạn đá Gạc Ma trong sự kiện Trường Sa 1988 là minh chứng về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
70 năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm; được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập, 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Lao động hạng Ba.
Có 82 lượt tập thể và 58 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động”; hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được trao tặng huân chương, huy chương, bằng khen và các phần thưởng cao quý khác.
|
Bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ với lực lượng Hải quân lúc sinh thời: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Bước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, đối mặt với nhiều thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy truyền thống vẻ vang, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ chủ quyền, mục tiêu chiến lược, các hoạt động kinh tế biển, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
Vùng 2 Hải quân (đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển rộng hơn 300 ngàn km2 kéo dài từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Bạc Liêu. Từ khi thành lập đến nay, Vùng 2 Hải quân đã không ngừng phát triển cả về lực lượng cùng với trang thiết bị, khí tài tiên tiến, hiện đại như: tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu pháo, hệ thống ra-đa đặc chủng... Trong số các đơn vị trực thuộc, ở nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 vẫn luôn khẳng định bản lĩnh, kiên cường, bám trụ... bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ thăm dò, hạ đặt giàn khoan, khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa phía Nam và bảo vệ an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác dầu khí ở các khu vực.
“Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tiếp tục nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Tập trung xây dựng Vùng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”, Đại tá Trần Mạnh Chiến, Chính ủy Vùng 2 Hải quân nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC