KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thanh niên xung phong khắc ghi lời Bác dạy

Thứ Sáu, 16/05/2025, 16:26 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh thời, Bác Hồ đã 21 lần tới thăm và gửi thư động viên lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) với những lời dạy ân cần, sâu sắc. Khắc ghi lời Bác, lớp lớp TNXP đã lên đường ra chiến trường, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Ông Văn Huy Điện, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP.Vũng Tàu cùng các cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Quế (giữa), Đỗ Thị Vân ôn lại truyền thống hào hùng của lực lượng.
Ông Văn Huy Điện, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP.Vũng Tàu cùng các cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Quế (giữa), Đỗ Thị Vân ôn lại truyền thống hào hùng của lực lượng.

Xung phong vào “tọa độ lửa”

Tháng 9/1969, khi đang huấn luyện để chuẩn bị đi TNXP, ông Nguyễn Như Hải (quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bà Rịa - Vũng Tàu) hay tin Bác Hồ mất. Thương Bác và nhớ lời căn dặn của Người, ông Hải càng quyết tâm hơn để ra chiến trường. Cuối năm 1969, ông Hải lên đường đi TNXP, vào Ngã ba Đồng Lộc - một trong những nơi giặc đánh phá ác liệt nhất thời bấy giờ nhằm ngăn chặn đường huyết mạch hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Hải nhớ như in cảnh tượng tan hoang khi đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc. Máy bay Mỹ ném bom dữ dội suốt ngày đêm, những hố bom san sát nhau. “Chúng tôi liên tục lấp hố bom, san gạt đường để xe quân ta chở đạn dược, thuốc men, lương thực vào miền Nam được thông suốt. Có hôm, cây cầu Tùng Cóc ở gần Ngã ba Đồng Lộc bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập, tôi và đồng đội đi sửa chữa. Bơi ra giữa sông thì máy bay quần sát phía trên. Chúng tôi nhanh chóng lặn xuống nước, bơi vào trốn dưới gốc cây để tránh địch phát hiện”, ông Hải kể. 

Đến năm 1970-1972, ông Hải di chuyển vào các huyện Kỳ Anh, Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), tiếp tục làm nhiệm vụ san lấp hố bom, san lấp đường để xe vào chiến trường. Giai đoạn 1972-1977, ông Hải được cử đi học rồi giảng dạy ở Học viện Hải Quân. Sau này, ông Hải vào TP.Vũng Tàu sinh sống và công tác trong ngành giao thông cho đến khi nghỉ hưu.

Ở đâu Tổ quốc cần là thanh niên có

Nhớ lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ánh mắt bà Nguyễn Thị Kim Quế, 78 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường 11, TP.Vũng Tàu dấy lên niềm tự hào về một thời hoa lửa. “Con chim sơn ca của tuyến lửa” là ví von của một phóng viên chiến trường Báo Nhân Dân về bà Kim Quế khi chứng kiến cảnh bà cùng đồng đội biểu diễn bài hát “Khâu áo gửi người chiến sĩ” ngay trên miệng hố bom ở Ninh Bình.

“Chị em TNXP chúng tôi làm tròn nhiều vai, vừa san lấp hố bom, mở đường, chuyển tải lương thực, vừa ca hát, biểu diễn văn nghệ để tạo tinh thần vui vẻ, phấn chấn cho bộ đội. Là thành viên của đoàn văn công, tôi hay đến các đơn vị pháo binh, hoặc có khi là trực tiếp trên chiến trường để biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền về Đảng, về Bác Hồ. Tiếng hát át tiếng bom trong chiến trường là vậy”, bà Quế nói.

Bà Quế cho biết, từ năm 1965-1968, bà đi TNXP dọc tuyến từ Thanh Hóa đến Hà Nội. Sau đó, bà trở về quê nhà Nam Định, cùng người dân nơi đây giữ gìn và phát triển nghề dệt lụa truyền thống của quê hương.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 1.460 hội viên Hội Cựu TNXP. Trong đó, đông nhất là cựu TNXP hoạt động thời kỳ chống Mỹ cứu nước với 996 người. Số còn lại là TNXP thời chống Pháp, cựu TNXP làm kinh tế...

Tạm gác lại bút nghiên khi đang học dở dang lớp 10 ở quê nhà Hà Nam, ông Văn Huy Điện (hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP.Vũng Tàu) lên đường đi TNXP năm 1972. Theo tiếng gọi thiêng liêng từ tiền tuyến lớn miền Nam, ông Điện tập kết cùng đơn vị ở Hòa Bình. Sau đó, ông cùng đồng đội ngày đêm men dãy núi Trường Sơn, đi khắp Thanh Hóa, Nghệ An, vòng sang Lào rồi vào Tây Nguyên...

“Đi tới đâu, chúng tôi dùng những vật dụng thô sơ như cuốc, thuổng, xẻng để mở đường, san đất, lấp hố cho bằng phẳng. Công việc vất vả, nguy hiểm, những lúc đói phải kiếm rau rừng, rau má, rau tàu bay để ăn. Nhưng khi chứng kiến từng đoàn xe của ta chạy rầm rập trên tuyến đường rừng Trường Sơn, thẳng vào miền Nam là mọi khó khăn, vất vả đều tan biến”, ông Điện nhớ lại. 

Ông Văn Huy Điện cho rằng, chính những lời Bác dặn: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên” đã động viên, tiếp thêm ý chí, nghị lực và sức mạnh cho lớp lớp TNXP hăng hái lên đường, phục vụ chiến trường, vì miền Nam ruột thịt, góp sức thống nhất đất nước. Sau ngày thống nhất đất nước, lực lượng cựu TNXP lại tiếp tục gương mẫu trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

 
;
.