Ngày 19/5/1946, giữa thời khắc đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đón sinh nhật trong cương vị nguyên thủ quốc gia. Dù được Nhân dân và các đoàn thể long trọng tổ chức, Bác vẫn giữ trọn vẹn lối sống giản dị, khiêm nhường, tiết kiệm-phẩm chất đáng quý của người lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.
![]() |
Bác luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho thiếu nhi. (Ảnh tư liệu) |
Không hoa mỹ, không tiệc tùng, chỉ có lòng dân và nghĩa tình
Sinh nhật đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 19/5/1946 tại Bắc Bộ Phủ. Đây là thời điểm đặc biệt khi đất nước còn bộn bề khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng mới được thiết lập, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn chuẩn bị, đời sống Nhân dân còn nghèo khó. Trong bối cảnh ấy, sinh nhật của Chủ tịch nước không phải là một dịp để tổ chức linh đình hay xa hoa, mà là một khoảnh khắc thiêng liêng, đầy xúc động và ý nghĩa lịch sử.
Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối mọi hình thức tổ chức rình rang. Bác không cho dựng cổng chào, không bày tiệc mừng, không có các đoàn khách xa xỉ đến chúc tụng. Thay vào đó, Bác đón nhận sự quan tâm từ các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu nhi, những chiến sĩ miền Nam ra Bắc và cán bộ công nhân viên cùng làm việc tại Bắc Bộ Phủ.
Đồng bào từ khắp nơi gửi tới Bác hoa, bánh, thư chúc mừng. Tuy nhiên, trong lời đáp từ đầy xúc động, Bác nhẹ nhàng nhắc nhở: “Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.
Câu nói tưởng chừng giản dị nhưng lại hàm chứa một quan điểm sống sâu sắc và kiên định: luôn đặt lợi ích Nhân dân lên trên hết, ngay cả trong ngày đáng lẽ dành riêng cho bản thân mình.
Giản dị từ tư tưởng đến hành động
Dù là vị lãnh tụ tối cao của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống như một người bình thường giữa lòng dân. Ngày sinh nhật, Bác vẫn dậy sớm, đọc báo, làm việc như thường lệ. Bác không diện lễ phục, không ngồi trên bục cao mà hòa mình cùng mọi người, tiếp đón từng đoàn khách nhỏ với nụ cười hiền hậu và đôi lời căn dặn ân cần.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lúc các cháu thiếu nhi Hà Nội đến tặng Bác một huy hiệu “măng non mọc thẳng” và hát chúc mừng sinh nhật. Đáp lại, Bác tặng các cháu một cây bách tán, dặn: “Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt-thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!” Lời nói mộc mạc, nhưng sâu sắc ấy vừa thể hiện niềm tin của Bác vào thế hệ tương lai, vừa toát lên sự gần gũi, chân thành hiếm thấy nơi một nguyên thủ quốc gia.
Khi tiếp đoàn đại biểu Nam Bộ ra thăm Bác nhân dịp sinh nhật, Người nói: “Lòng già Hồ, lòng Nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ.” Một câu nói ngắn nhưng đong đầy tình cảm, thể hiện tấm lòng son sắt, gắn bó máu thịt giữa lãnh tụ và đồng bào nơi tuyến đầu kháng chiến.
Toàn bộ không khí của buổi sinh nhật hôm ấy không có ánh đèn màu, không có hoa mỹ sân khấu, chỉ có những giây phút chan hòa giữa tình người và đạo lý làm người. Những món quà nhỏ, những lời ca tiếng hát, những cái nắm tay thật chặt-đó là sinh nhật đầu tiên và cũng là sinh nhật điển hình nhất cho phong cách Hồ Chí Minh: mộc mạc, tiết kiệm, nhưng giàu cảm xúc và giá trị nhân văn.
Sinh nhật đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là ngày của những hình thức phô trương mà là một biểu tượng sống động của phẩm chất cao quý: khiêm nhường, giản dị, tiết kiệm, đặt lợi ích chung lên trên bản thân. Từ câu nói, hành động đến lối sống, Bác luôn gửi gắm thông điệp sâu xa về cách ứng xử của người cán bộ, đảng viên với Nhân dân.
Cho đến hôm nay, tấm gương ấy vẫn là ngọn đèn soi sáng con đường đạo đức, trách nhiệm công bộc, và là lời nhắc nhở thiết tha cho mọi thế hệ: sống xứng đáng là công bộc của dân, là người phục vụ Nhân dân như Bác Hồ kính yêu đã từng sống, từng làm và từng dặn dò.
NGUYÊN CHƯƠNG