KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5)

Sôi nổi phong trào thi đua học tập và làm theo Bác

Thứ Sáu, 16/05/2025, 14:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp ra đời đã mang lại giá trị trong công việc, giúp đỡ cộng đồng.

Hội LHPN phường Tân Phước (TP.Phú Mỹ) vận động các nhà tài trợ nhận đỡ đầu hàng tháng cho trẻ khó khăn.
Hội LHPN phường Tân Phước (TP.Phú Mỹ) vận động các nhà tài trợ nhận đỡ đầu hàng tháng cho trẻ khó khăn.

Hướng về người nghèo

Em Trương Mai Hoàng Khang (học sinh lớp 2/1, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, TP.Phú Mỹ) có gia cảnh khó khăn. Mẹ em, chị Mai Thị Hiền làm tạp vụ với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, phải nuôi cả gia đình gồm 6 người: hai con nhỏ, mẹ bị ung thư, em gái khuyết tật và ba đã lớn tuổi. Dù làm việc chăm chỉ, thu nhập của chị Hiền vẫn không đủ trang trải cuộc sống.

Thấu hiểu hoàn cảnh đó, từ tháng 4/2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Phước (TP.Phú Mỹ) đã nhận đỡ đầu em Hoàng Khang đến năm 18 tuổi, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí do Hội vận động Kho cảng PV GAS Vũng Tàu tài trợ. “Việc con tôi được đỡ đầu hàng tháng giúp tôi vơi bớt gánh nặng tài chính và cháu có thêm động lực đến trường”, chị Hiền xúc động chia sẻ.

Hoàng Khang là một trong 10 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đang được Hội LHPN phường Tân Phước đỡ đầu. Ngoài khoản trợ cấp 500.000 đồng/em/tháng, các em còn được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, quần áo dịp đầu năm học và được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giáo dục kỹ năng.

Bà Đặng Thị Phương Chi, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Phước cho biết: “Chúng tôi học Bác từ những việc giản dị, đời thường. Với vai trò chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội đã triển khai nhiều mô hình giúp người yếu thế. Từ tháng 1/2024 đến nay, Hội đã thực hiện 2 mô hình: “Gắn kết cộng đồng, lan tỏa hành động nhân ái” và “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, vận động hơn 5 tỷ đồng để trao sinh kế, mở sổ tiết kiệm, hỗ trợ điều trị bệnh cho người nghèo. Ngoài ra, Hội còn tổ chức 4 “Gian hàng 0 đồng”, trao tặng 800 phần quà trị giá hơn 570 triệu đồng cho phụ nữ, học sinh nghèo...”.

Tại Bà Rịa -Vũng Tàu, việc học tập và làm theo Bác còn được triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương, đơn vị. Nhiều mô hình hướng về người yếu thế mang giá trị thiết thực và nhân văn như: mô hình "Đẩy mạnh an sinh xã hội" của UBMTTQ huyện Xuyên Mộc; "Tặng thẻ BHYT cho người khó khăn" của Tổ Dân vận Khu phố 1, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu; chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; phong trào “Nuôi heo đất - Giúp bạn đến trường” của thầy Phạm Văn Phúc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Long Đất...

Những cá nhân tiên phong

Bên cạnh các mô hình tập thể tiêu biểu, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân cũng tích cực học và làm theo Bác bằng những việc làm, sáng kiến cụ thể.

Tiêu biểu là sáng kiến “Mô hình chăm sóc mắt cộng đồng toàn diện nhằm hạ thấp tỷ lệ suy giảm thị lực và mù lòa tại Bà Rịa - Vũng Tàu” của bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, mô hình đã đào tạo hơn 2.700 nhân viên y tế xã, cán bộ y tế trường học; khám sàng lọc hơn 50 ngàn người cao tuổi; phẫu thuật mắt cho hơn 30 ngàn bệnh nhân, trong đó có 25 ngàn ca đục thủy tinh thể. Ngoài ra, hơn 200 ngàn học sinh được sàng lọc khúc xạ, gần 15 ngàn em được cấp kính đeo mắt miễn phí.

Trong 10 năm qua, bác sĩ Giáp còn thực hiện hơn 30 sáng kiến, giải pháp, trong đó 2 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc.

Theo Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, nội dung học tập và làm theo Bác hiện nay ngày càng cụ thể, gắn với từng chuyên đề theo năm và sát với vị trí công tác của từng cán bộ, đảng viên. Việc học và làm theo Bác không chỉ thể hiện qua phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái, đúng như lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.