.

Kéo dài thời hạn thanh tra là chưa phù hợp

Cập nhật: 10:25, 22/05/2025 (GMT+7)

Sáng 22/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đã có bài phát biểu góp ý về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội: “Đề nghị hoàn thiện quy định về thời hạn thanh tra, xử lý chồng chéo và cơ cấu hệ thống thanh tra”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị hoàn thiện quy định về thời hạn thanh tra, xử lý chồng chéo và cơ cấu hệ thống thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ đồng tình với phương án xây dựng mô hình cơ quan thanh tra theo ba cấp như trong Dự thảo, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra cấp tỉnh và các cơ quan thanh tra chuyên ngành đặc thù.

Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại khoản 3 và khoản 4 Điều 7 để sử dụng đúng tên gọi cơ quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ và chính xác Kết luận số 134 của Bộ Chính trị. Việc định danh cụ thể sẽ giúp tăng cường minh bạch và thống nhất trong tổ chức và vận hành hệ thống thanh tra.

Một điểm góp ý đáng chú ý là đại biểu không tán thành việc quy định chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra tại Thanh tra cấp tỉnh như nội dung Điều 15. Bởi lẽ, khi hệ thống cơ quan thanh tra được tổ chức lại theo hướng tinh gọn một cấp tại tỉnh, việc quy định chức năng này có thể gây trùng lắp và không còn phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề thời hạn thanh tra tại Điều 20. Ông cho rằng, việc chuyển đơn vị thời gian từ “ngày” sang “ngày làm việc” và kéo dài thời hạn tối đa lên tới 120 ngày làm việc (tức khoảng 6 tháng) là không hợp lý.

Thời hạn này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chưa phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý trong năm 2025 mà Chính phủ đang triển khai.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.