Hoàn thiện Luật Nhà giáo để bảo vệ và nâng tầm vị thế nhà giáo

Thứ Ba, 06/05/2025, 11:18 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận Luật Nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận Luật Nhà giáo.

Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá – Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội – đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tập trung vào các nội dung cốt lõi nhằm hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm vị thế, quyền lợi và điều kiện công tác xứng đáng cho đội ngũ nhà giáo.

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề cập đến Điều 1 và Điều 2 của Dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đại biểu, dự thảo chưa làm rõ cách thức áp dụng đối với những trường hợp nhà giáo kiêm nhiệm nhiều vai trò như giảng dạy, nghiên cứu hoặc quản lý giáo dục. Việc thiếu quy định cụ thể có thể dẫn đến bất cập trong thụ hưởng chính sách hoặc thực hiện nghĩa vụ. Ông đề nghị cần bổ sung quy định riêng về áp dụng chế độ cho nhà giáo kiêm nhiệm, hoặc hướng dẫn chi tiết bằng Nghị định của Chính phủ.

Đề cập đến Điều 3, Điều 6 và Điều 41 về địa vị pháp lý và cơ chế bảo vệ nhà giáo, đại biểu Hùng cho rằng các quy định hiện tại mới dừng ở nguyên tắc, chưa rõ tính khả thi khi triển khai. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nhà giáo dễ bị tổn hại danh dự qua mạng xã hội hoặc trong quá trình giảng dạy, nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ pháp lý cụ thể. Vì vậy, ông kiến nghị cần bổ sung quy định hỗ trợ pháp lý miễn phí và xác lập trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo tại Điều 8 và Điều 9, đại biểu Hùng đánh giá cao việc ghi nhận quyền tự chủ chuyên môn, nhưng cho rằng cần cụ thể hóa nội hàm quyền này. Theo ông, Luật cần khẳng định quyền nhà giáo được chủ động phân phối nội dung bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp trong khuôn khổ chương trình; đồng thời có quyền từ chối những yêu cầu trái đạo đức nghề nghiệp hoặc pháp luật.

Góp ý tại Điều 12 và Điều 13 về chuẩn chức danh và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đại biểu cho rằng Luật nên quy định rõ yêu cầu rà soát, cập nhật chuẩn nghề nghiệp định kỳ, ví dụ 5 năm/lần, và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình điều chỉnh phù hợp với xu hướng đổi mới, hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ hiện đại.

Một nội dung được đại biểu Hùng nhấn mạnh là Chương V (từ Điều 25 đến Điều 29) về tiền lương, đãi ngộ và hỗ trợ nhà giáo. Ông cho rằng việc quy định lương nhà giáo “cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp” là định hướng tốt, nhưng nếu không quy định rõ mức khởi điểm thì dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Đại biểu đề xuất nguyên tắc: Lương khởi điểm của nhà giáo cần cao hơn 1–2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác ở vùng khó khăn (Điều 26) cần được cụ thể hóa về mức phụ cấp, hỗ trợ nhà ở, đi lại, tránh tình trạng chênh lệch giữa các địa phương.

Về chế độ nghỉ hưu tại Điều 28 và Điều 29, đặc biệt là chính sách nghỉ hưu sớm cho nhà giáo mầm non, đại biểu Hùng cho rằng đây là quy định nhân văn, nhưng phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, tránh bị lạm dụng. Theo đó, điều kiện nghỉ hưu sớm phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện, tình trạng sức khỏe và đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội, lương hưu.

Trong Chương VI, tại Điều 31 và Điều 32 về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, đại biểu chỉ ra rằng dự thảo chưa quy định cụ thể nguồn kinh phí và hình thức hỗ trợ. Ông đề nghị nên quy định mức tối thiểu 5% ngân sách giáo dục hằng năm dành cho đào tạo, bồi dưỡng, và xác định rõ thời gian tham gia bồi dưỡng được tính vào thời gian công tác liên tục để nhà giáo không bị thiệt quyền lợi.

Cuối cùng, tại Chương VII (từ Điều 36 đến Điều 41), đại biểu đề xuất bổ sung quy định về giải thưởng sáng tạo dành cho nhà giáo, nhất là các sáng kiến đổi mới giảng dạy, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục. Đồng thời, ông kiến nghị Luật cần có quy định rõ ràng, xử lý nghiêm các hành vi bôi nhọ, xúc phạm nhà giáo trên không gian mạng, nhằm bảo vệ hình ảnh, danh dự nghề giáo trong bối cảnh hiện đại.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm và chia sẻ sâu sắc về các vấn đề thực tiễn trong ngành giáo dục hiện nay. Những kiến nghị của ông là đóng góp sát thực tiễn để hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà giáo – đạo luật có ý nghĩa then chốt nhằm khẳng định vị thế, bảo vệ và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.