Chiều 17/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại Tổ số 4, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực tham gia thảo luận về ba nội dung lập pháp trọng điểm: Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); và Dự Luật sửa đổi, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Luật Quốc tịch phải đồng bộ với Luật Căn cước và Luật Hộ tịch”. |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Luật Quốc tịch phải đồng bộ với Luật Căn cước và Luật Hộ tịch”
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, bày tỏ sự đồng tình cao với việc sửa đổi Luật Quốc tịch nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề thực tiễn về người có hai quốc tịch.
Đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi cần đồng bộ với Luật Căn cước công dân năm 2023, kiến nghị bỏ cụm từ “giấy chứng minh nhân dân” và bổ sung “thẻ căn cước công dân” để thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về quốc tịch của trẻ em khi cha mẹ có hai quốc tịch, đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí “không thỏa thuận được” và bổ sung điều kiện cấp mã định danh cá nhân, giấy khai sinh để phù hợp với Luật Hộ tịch, tránh phát sinh tranh chấp pháp lý sau này…
Đại biểu Đỗ Văn Yên - Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam: “Cần bổ sung điều cấm và khái niệm rõ ràng trong Luật Quốc tịch
Đại biểu Đỗ Văn Yên - Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam: “Cần bổ sung điều cấm và khái niệm rõ ràng trong Luật Quốc tịch”. |
Tham gia góp ý đối với việc sửa đổi Luật Quốc tịch, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị cần bổ sung các khái niệm như “mất quốc tịch”, “tước quốc tịch”, “quốc tịch gốc”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” vào Điều 3 để làm rõ phạm vi áp dụng luật.
Đại biểu cũng nhấn mạnh việc bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm như làm giả giấy tờ quốc tịch, lợi dụng quốc tịch Việt Nam để chống phá đất nước nhằm tăng tính răn đe và đảm bảo hiệu lực thực thi.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn tuyển dụng người chỉ có một quốc tịch Việt Nam vào các cơ quan, tổ chức đặc biệt như lực lượng vũ trang, tránh cách hiểu mâu thuẫn và khó áp dụng trong thực tế.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại: “Nới lỏng quy định Quỹ dự trữ tài chính để tăng hiệu quả đầu tư công”
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại: “Nới lỏng quy định Quỹ dự trữ tài chính để tăng hiệu quả đầu tư công”. |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tập trung góp ý đối với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ông cho rằng Quỹ dự trữ tài chính hiện còn bó hẹp phạm vi sử dụng, đề xuất mở rộng để linh hoạt điều chuyển cho đầu tư hạ tầng.
Đại biểu cũng kiến nghị điều chỉnh quy định trích lập quỹ, không bao gồm phần vốn đầu tư công chưa giải ngân, và chọn phương án quy định tỷ lệ phân chia ngân sách Trung ương - địa phương ngay trong Luật để bảo đảm tính ổn định, minh bạch.
Về thời hạn lập và kiểm toán quyết toán ngân sách, đại biểu đề nghị điều chỉnh phù hợp, tránh gây áp lực cho địa phương trong phối hợp với Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Phú Mỹ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc: “Đề nghị cụ thể hóa quy định đấu thầu, đầu tư công để phù hợp thực tiễn địa phương”
![]() |
Đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phú Mỹ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc: “Đề nghị cụ thể hóa quy định đấu thầu, đầu tư công để phù hợp thực tiễn địa phương”. |
Phát biểu thảo luận đối với Luật sửa đổi, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công, đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phú Mỹ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng một số nội dung trong dự thảo sửa đổi các luật về đấu thầu, đầu tư công và đầu tư vẫn còn bất cập so với thực tiễn triển khai tại địa phương. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cụm từ “các trường hợp khác” trong quy định về chỉ định thầu nhằm tránh bị lạm dụng hoặc hiểu sai.
Bên cạnh đó, phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ được đề xuất cho lĩnh vực công nghệ - viễn thông có thể phù hợp với Trung ương, nhưng tại địa phương với các gói thầu nhỏ, dùng vốn sự nghiệp, sẽ gây khó khăn nếu không có tiêu chí quy mô cụ thể.
Về Luật Đầu tư công, đại biểu Quân kiến nghị làm rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản bằng cách bổ sung cụm từ “và hàng năm” để tránh bỏ sót nghĩa vụ chi trả. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định rõ thẩm quyền dừng chủ trương đầu tư với các dự án chuyển tiếp trước ngày luật có hiệu lực, cũng như điều chỉnh điều kiện bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để phù hợp với quy trình hành chính thực tế ở địa phương.
Những góp ý cụ thể, thiết thực của các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận tổ chiều 17/5 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp vào việc hoàn thiện các dự thảo luật theo hướng sát thực tiễn, đồng bộ và hiệu quả hơn.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)