Đổi mới để phát triển bền vững: Hiến định rõ vai trò và nâng tầm tổ chức chính trị - xã hội

Thứ Tư, 14/05/2025, 11:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có phát biểu đáng chú ý.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh: “Sửa đổi Hiến pháp phải đi đôi với thi hành hiệu quả và truyền thông sâu rộng”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh: “Sửa đổi Hiến pháp phải đi đôi với thi hành hiệu quả và truyền thông sâu rộng”.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ sự nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 – một bước đi quan trọng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Đại biểu ghi nhận tinh thần kế thừa và phát triển trong Dự thảo, đồng thời đề xuất cần triển khai các giải pháp đồng bộ về pháp luật và tổ chức thi hành. Ông đề cập đến nhiều nội dung trọng tâm:

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9): Đại biểu đánh giá cao việc hiến định rõ vai trò và bổ sung chức năng phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân – một bước tiến quan trọng trong thể chế hóa cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đồng thời, kiến nghị sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 để cụ thể hóa cơ chế phản biện xã hội, giám sát và xử lý kiến nghị.

Về Công đoàn Việt Nam (Điều 10): Đại biểu tán thành với quy định hiến định Công đoàn là tổ chức trực thuộc Mặt trận và là đại diện quốc gia trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, để phát huy đầy đủ vai trò, đại biểu đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn năm 2024, bảo đảm quyền tự chủ và tính độc lập trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp, phù hợp với Công ước ILO số 98 và các cam kết quốc tế trong CPTPP.

Về tổ chức chính quyền địa phương và phân loại đơn vị hành chính (Điều 110 và 111): Đại biểu nhận định việc giao Quốc hội quy định các loại đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh và mô hình tổ chức chính quyền tương ứng là “một bước mở rất đáng ghi nhận”, góp phần linh hoạt hóa quản trị nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh đây là biểu hiện rõ nét của tư duy nền quản trị hành chính hiện đại, cho phép thiết kế mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm từng vùng – như đô thị lớn, hải đảo, hay các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Đại biểu cũng kiến nghị Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần cụ thể hóa các mô hình chính quyền đặc thù này để bảo đảm tính khả thi khi triển khai.

Về phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương (Điều 112): Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đánh giá cao bước tiến trong việc cụ thể hóa nguyên tắc phân quyền, phân cấp, thể hiện rõ tư duy quản trị hiện đại, lấy hiệu quả làm thước đo, đúng với tinh thần “việc gì địa phương làm tốt thì phân cấp cho địa phương”.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý rằng để phân quyền có hiệu lực, không chỉ là chuyển giao thẩm quyền mà phải rành mạch về trách nhiệm và khả năng thực thi. Do đó, đại biểu đề xuất Quốc hội cần ban hành một “Phụ lục hướng dẫn phân định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể giữa Trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực”, đặc biệt với các lĩnh vực nhạy cảm như ngân sách, đầu tư công, đất đai và bảo vệ môi trường.

Ở phần cuối phát biểu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác tuyên truyền, phổ biến sau khi Hiến pháp được sửa đổi. Đại biểu cho rằng: “Để Hiến pháp sống trong đời sống xã hội, thì trước hết, mỗi công dân phải hiểu, tin và hành động theo Hiến pháp”.

Đại biểu đề nghị cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền có chiều sâu, có hệ thống, đến tận cơ sở và từng đối tượng xã hội, để Hiến pháp không chỉ là văn bản pháp lý, mà thực sự trở thành kim chỉ nam trong tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước và đời sống xã hội.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.