Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển
Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Sinh Tồn do Hải đoàn 129 quản lý và vận hành tại huyện đảo Trường Sa đã đồng hành, hỗ trợ hàng ngàn ngư dân khai thác hải sản và tham gia xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển trong nhiều năm qua.
![]() |
Tàu ngư dân được bố trí, sắp xếp tránh trú bão tại các âu tàu trên đảo Sinh Tồn. |
Trung tâm là nhà, âu tàu là bến bình yên
Gắn bó nhiều năm với Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Sinh Tồn (gọi tắt là Trung tâm), Trung tá Trần Văn Bỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm chia sẻ, khí hậu tại khu vực quần đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, nắng gió quanh năm, nước biển mặn “phủ” khắp đảo. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, nhân viên Hải đoàn 129 xung phong ra làm nhiệm vụ với vai trò “người tiếp sức cho ngư dân bám biển vươn khơi”.
Những năm qua, đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm ngư dân, sửa chữa trang bị máy móc, bổ sung nước ngọt miễn phí, cung ứng nhiên liệu bằng giá trong đất liền, tặng cờ Tổ quốc, áo phao cá nhân… Các âu tàu Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây là thủ phủ cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân.
“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn nhận thức sâu sắc, tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, Trung tá Trần Văn Bỉnh cho hay.
Với phương châm “Trung tâm là nhà, âu tàu là bến bình yên”, từ khi đưa vào vận hành đến nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã đón hàng ngàn lượt tàu cá cùng ngư dân vào trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; sửa chữa trang thiết bị máy móc, bổ sung nước ngọt, nhiên liệu, cấp cứu, khám chữa bệnh, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm như: gạo, thịt, mì gói, rau… Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy, trạm dừng chân giữa biển khơi cho ngư dân.
Ngư dân Trần Văn Búp cho biết, năm 2022, tàu cá của ông may mắn được cán bộ, nhân viên tại Trung tâm hỗ trợ khắc phục sự cố khi gặp nạn trên biển. Ngư dân còn được cán bộ, nhân viên Trung tâm truyên truyền Luật thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
![]() |
Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn (thuộc Hải đoàn 129 Hải quân) tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. |
Đồng hành cùng ngư dân bám biển
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong đó ưu tiên nguồn lực xây dựng và phát triển các trung tâm hậu cần nghề cá, cuối tháng 11/2016, Hải đoàn 129 Hải quân đưa vào vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật tại đảo Sinh Tồn. Nhiệm vụ chủ yếu là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư khai thác đánh bắt hải sản.
Ngoài ra, đảo Sinh Tồn có vị trí chiến lược phòng thủ quan trọng trong toàn hệ thống quần đảo Trường Sa. Do đó, Trung tâm cũng được đầu tư hiện đại với quy hoạch tập trung rộng hơn 3,6ha, đầy đủ cơ sở hạ tầng như đèn chiếu sáng, bờ kè vững chắc... Trung tâm có thể tiếp nhận đến 100 ghe tàu của ngư dân vào tránh, trú bão và sửa chữa.
Thượng tá Bùi Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129 cho biết, Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đóng quân nơi biên giới, hải đảo nên việc tổ chức thay thế luân chuyển con người, bổ sung lương thực thực phẩm, trang thiết bị… phụ thuộc lớn vào thời tiết và điều kiện sóng gió. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 129 lựa chọn cán bộ, nhân viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, có trình độ, năng lực tay nghề tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn.
Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã đón hàng ngàn lượt tàu cá cùng ngư dân vào âu tàu trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; khắc phục sự số cho 130 lượt tàu cá; cung cấp hơn 1.500m3 nước ngọt miễn phí, cung ứng hơn 400.000 lít dầu DO bằng giá ở đất liền; tặng nhiều áo phao, cờ Tổ quốc, tủ thuốc y tế... cho ngư dân.
|
Ngoài ra, để hoạt động ứng cứu, giúp đỡ kịp thời ngư dân trên biển có hiệu quả, bảo đảm an toàn, hàng năm, Hải đoàn 129 đều cử cán bộ đi tập huấn về công tác tìm kiếm cứu nạn; huấn luyện phương án cứu nạn, khắc phục sự cố của các tàu cá.
“Nhờ chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân, những năm qua, đơn vị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận, che chắn, bảo vệ cho hơn 300 lượt tàu cá và gần 4.000 lượt ngư dân vào neo đậu, tránh, trú an toàn”, Thượng tá Bùi Ngọc Sang nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC