Đề xuất hoàn thiện tiêu chí và quy trình bầu cử
Sáng 21/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) - Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý quan trọng, đi vào các điều luật cụ thể cần hoàn thiện để tăng tính minh bạch, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn địa phương.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất hoàn thiện tiêu chí và quy trình bầu cử, bảo đảm tính đại diện và khả thi tại cơ sở. |
Trước hết, góp ý khoản 3 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi Điều 9 Luật hiện hành) về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đồng tình với việc bổ sung quy định bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức ứng cử là phụ nữ và bổ sung nguyên tắc về tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, ông cho rằng cụm từ “phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương” còn chung chung, dễ dẫn tới cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các tiêu chí cụ thể như: căn cứ vào tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số tại địa phương hoặc căn cứ vào quy hoạch cán bộ dân tộc để bảo đảm tính công bằng và tính đại diện thực chất trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Góp ý khoản 5 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi khoản 4 Điều 11) về xác định khu vực bỏ phiếu, đại biểu cho rằng quy định hiện tại chưa làm rõ tiêu chí thế nào là “trường hợp cần thiết” để UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bỏ phiếu. Ông đề xuất bổ sung tiêu chí cụ thể như các khu vực có biến động dân cư lớn, điều kiện địa lý chia cắt, yêu cầu đặc thù về an ninh quốc phòng… nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước và tránh tình trạng tùy nghi trong tổ chức thực hiện.
Góp ý các khoản 33 và 34 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi Điều 65 và 66) về tiếp xúc cử tri, đại biểu đánh giá cao việc bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và kết hợp trực tiếp - trực tuyến, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và điều kiện địa lý vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, ông đề nghị cần quy định cụ thể hơn về điều kiện kỹ thuật, yêu cầu pháp lý, biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, xác thực danh tính cử tri. Đồng thời, cần bổ sung quy định về ghi âm, ghi hình, lưu trữ nội dung buổi tiếp xúc cử tri nhằm đảm bảo minh bạch, phục vụ công tác xử lý khiếu nại, tố cáo nếu có phát sinh.
Góp ý các khoản 23, 25, 56 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi Điều 50, 53, 56) về thời hạn tổ chức hội nghị hiệp thương, ông Hùng ủng hộ tinh thần cải cách thủ tục hành chính khi rút ngắn các mốc thời gian. Tuy nhiên, ông đề nghị cần đánh giá tác động đầy đủ đối với vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi - nơi có địa bàn rộng, khó khăn trong tổ chức hội họp và lựa chọn nhân sự ứng cử. Việc giảm thời gian nếu không được hướng dẫn chi tiết, rất dễ gây lúng túng hoặc thực hiện hình thức tại các địa phương này.
Góp ý khoản 40 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi Điều 96) về quy định chuyển tiếp tại những nơi không tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2021-2026, ông Hùng cho rằng cần bổ sung trách nhiệm cụ thể của UBND phường và hướng dẫn về phối hợp liên ngành. Nếu không, toàn bộ trách nhiệm sẽ dồn lên Thường trực HĐND cấp tỉnh, gây quá tải và thiếu phối hợp hiệu quả trong thực tế tổ chức bầu cử ở cơ sở.
Những phát biểu của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thể hiện tư duy lập pháp sâu sát, bảo đảm tính thực tiễn, công bằng và hiệu quả trong tổ chức bầu cử - một lĩnh vực then chốt của đời sống chính trị - pháp lý đất nước. Các góp ý đều thẳng thắn, có luận cứ cụ thể và bám sát yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)