Đề xuất hoàn thiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ thực tiễn cải cách tư pháp
Chiều 19/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có bài phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng: “Hoàn thiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ thực tiễn cải cách tư pháp”. |
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ sự đồng tình với định hướng tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo ba cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân khu vực – thay cho mô hình bốn cấp hiện hành.
Theo đại biểu, đây là bước đi phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, không tổ chức cấp huyện, hướng tới hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh: cần quy định rõ nguyên tắc xác định địa bàn hoạt động của Viện kiểm sát khu vực để bảo đảm sự tương thích với hệ thống Tòa án nhân dân, tránh chồng chéo và tạo thuận lợi cho tố tụng. Đồng thời, việc xây dựng lộ trình chuyển tiếp cần rõ ràng, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan để không làm gián đoạn hoạt động kiểm sát.
Về chuyển đổi giữa các ngạch Kiểm sát viên và Điều tra viên, đại biểu Hùng đánh giá cao chủ trương cho phép luân chuyển, nhưng yêu cầu phải bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc chuyển đổi – nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan và phù hợp với yêu cầu chuyên môn đặc thù của từng ngạch. Đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát quyền lực tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố.
Một nội dung quan trọng khác được đại biểu phân tích là thẩm quyền và nhiệm vụ của Kiểm sát viên. Trong xu thế mở rộng vai trò kiểm sát, việc quy định cụ thể quyền hạn theo từng ngạch Kiểm sát viên là cần thiết để tránh tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cấp độ chức danh, ảnh hưởng đến chất lượng và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Về cơ chế thi tuyển, nâng ngạch, đại biểu Hùng thể hiện lập trường rõ ràng: nên giữ cơ chế thi nâng ngạch như hiện hành – đây là phương thức đánh giá năng lực thực chất, tạo động lực rèn luyện và nâng cao trình độ đội ngũ Kiểm sát viên. Đồng thời, cần xác lập rõ thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành quy định về thi nâng ngạch – bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống tư pháp.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng dành sự quan tâm đến tính tương thích pháp lý quốc tế của Dự thảo. Ông đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các quy định của Luật không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, nhất là các cam kết liên quan đến tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, việc sử dụng khái niệm “Kiểm sát viên” cũng cần được chuẩn hóa, phân biệt rõ ràng giữa tư cách là ngạch công chức và chức danh tư pháp.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU