Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 17/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tham gia phát biểu, đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phú Mỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra nhiều đề xuất mang tính thực tiễn và cải cách sâu sắc đối với dự luật này.
![]() |
Đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phú Mỹ: Chuyển hướng quản lý sang “quản lý rủi ro”, siết gian lận nhãn mác. |
Góp ý tại khoản 3 Điều 1 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị thay vì tiếp tục phân loại sản phẩm theo “mức độ gây mất an toàn” (nhóm 1 và nhóm 2) như quy định hiện hành, nên chuyển sang cách tiếp cận theo nguyên tắc “quản lý rủi ro”. Đại biểu cho rằng cách tiếp cận mới này phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp tiết kiệm nguồn lực trong kiểm tra tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm có trọng tâm và giảm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng ít rủi ro.
Tại khoản 4 Điều 1, liên quan đến chính sách của Nhà nước, ông nhận định quy định hiện tại còn thiếu tính khả thi trong triển khai. Đại biểu đề xuất cần quy định cụ thể hơn về các chính sách tài chính, tín dụng, ưu đãi thuế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đổi mới công nghệ, tiếp cận các công cụ đánh giá sự phù hợp, từ đó hỗ trợ thực chất cho mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về khoản 6 Điều 1, đại biểu Quân đồng tình với việc bổ sung nội dung liên quan đến hạ tầng chất lượng quốc gia vào luật. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ việc chuyển quy định này từ Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sang Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như phương án đang trình, nhằm đảm bảo tính thống nhất và dễ thực thi.
![]() |
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. |
Liên quan khoản 7 Điều 1, về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý chất lượng, đại biểu Quân đề nghị cần làm rõ phạm vi áp dụng bắt buộc và khuyến khích. Cụ thể, nên bắt buộc truy xuất nguồn gốc và sử dụng hộ chiếu số đối với sản phẩm có nguy cơ cao, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tránh gây gánh nặng chi phí.
Đối với khoản 20 Điều 1 về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, ông cho rằng cần phân định rõ giữa chức năng của cơ quan quản lý chất lượng và chức năng giám sát theo Luật Hải quan. Ngoài ra, đại biểu đề xuất bổ sung quy định miễn hoặc giảm kiểm tra đối với các lô hàng nhỏ, hàng phi mậu dịch, hàng mẫu nhằm loại bỏ những rào cản kỹ thuật không cần thiết, thúc đẩy thương mại và hoạt động logistics.
Bên cạnh những góp ý theo điều khoản, đại biểu Dương Tấn Quân còn đề xuất bổ sung quy định về cơ chế khảo sát chất lượng hàng hóa trên thị trường. Đây là hình thức giám sát mềm, giúp phát hiện sớm rủi ro và điều chỉnh chính sách quản lý phù hợp, đồng thời giảm áp lực thanh tra diện rộng. Đặc biệt, ông kiến nghị sửa đổi Điều 66 của Luật hiện hành để tăng cường chế tài đối với hành vi gian dối về chất lượng, nhất là các hành vi làm giả chứng nhận, nhái nhãn mác. Các biện pháp có thể bao gồm: thu hồi sản phẩm, rút giấy phép hoặc công khai vi phạm để răn đe.
Phần phát biểu của đại biểu Dương Tấn Quân thể hiện sự tâm huyết, bám sát thực tiễn và mong muốn tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và uy tín hàng Việt trên thị trường quốc tế.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)