Ngày 14/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). |
Đề xuất thành lập trung tâm hành chính công liên khu vực
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã), phân định rõ thẩm quyền, tinh gọn bộ máy, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng chính quyền gần dân, sát dân.
Dự luật tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đồng tình với việc sửa đổi tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng cho rằng sự thay đổi này sẽ tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Việc sáp nhập đơn vị hành chính khiến nhiều cán bộ, công chức không chuyên trách phải nghỉ việc, gặp khó khăn trong tái hòa nhập thị trường lao động. Người dân cũng lo ngại về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân khi địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính. Ông đề nghị các ngành, địa phương sớm có giải pháp bảo đảm bộ máy hoạt động thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị tăng số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh theo quy mô dân số, diện tích, do khối lượng công việc sau sắp xếp tăng cao. Ông cũng kiến nghị không thành lập trung tâm hành chính công cấp xã mà tổ chức trung tâm liên khu vực trực thuộc UBND tỉnh, tương tự mô hình đang triển khai hiệu quả tại Hà Nội.
Không để đình trệ, gián đoạn công việc
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất tiếp tục rà soát quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo luật để thể hiện rõ hơn chủ trương phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp tỉnh và cấp xã. Ông cũng kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) khẳng định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và phù hợp xu thế phát triển đô thị quốc tế. Ông đề xuất không nên giới hạn đặc khu ở hải đảo mà cần mạnh dạn phân quyền để chính quyền cấp tỉnh có thể hình thành đặc khu tại đất liền.
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng khu vực miền núi có đặc thù riêng so với nông thôn đồng bằng, cần có phương thức tổ chức bộ máy và chính sách phù hợp. Bà đề nghị bổ sung tiêu chí miền núi vào luật để làm cơ sở hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế và các chính sách đặc thù cho vùng này. “Việc bổ sung tiêu chí miền núi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và các chính sách đặc thù cho vùng miền núi”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo luật đã xác lập một cách rất đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền, kèm theo cả cơ chế kiểm soát để đảm bảo việc phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, tổ chức thực hiện và trong chịu trách nhiệm mọi công việc thuộc thẩm quyền được giao.
Bên cạnh đó, dự thảo luật phải đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương với địa phương.
“Cơ quan soạn thảo cùng với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đã rà soát một cách thận trọng, kỹ lưỡng và cũng đã dự liệu cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến phân cấp, phân quyền để chúng ta thiết lập một cơ chế điều hành rất sáng tạo, rất năng động, rất linh hoạt cho chính quyền địa phương. Việc này nhằm đảm bảo trong những trường hợp cần thiết UBND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời giải quyết những vấn đề đảm bảo dòng chảy trong điều hành một cách thông suốt, không để đình trệ, không để gián đoạn”, bộ trưởng nói.
XUÂN NGUYỄN