Chiều 7/5, tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại Tổ thảo luận đại biểu số 4 đối với 3 nội dung lớn: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Bài phát biểu của đại biểu nhận được sự quan tâm đặc biệt nhờ vào những phân tích thực tiễn, sâu sát và đề xuất mang tính khả thi cao.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: "Hiến pháp là nền tảng dẫn dắt cải cách, đồng bộ hóa thể chế". |
Làm rõ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo sự đồng thuận xã hội
Góp ý về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định sự thống nhất cao với chủ trương sửa đổi một số điều của Hiến pháp, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, bà đề nghị Ban soạn thảo quan tâm làm rõ hơn khái niệm “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” cả về phạm vi, bản chất và cơ chế vận hành. Việc này không chỉ giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lấy ý kiến Nhân dân, các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đảm bảo cơ chế đồng bộ, liên tục trong tổ chức bộ máy sau sáp nhập
Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Yến đánh giá cao chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp (tỉnh và xã), phù hợp với định hướng cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải ưu tiên đảm bảo đồng bộ trong quá trình chuyển tiếp, nhất là về thủ tục hành chính, dấu pháp lý và hồ sơ của công dân. Đại biểu chỉ rõ rằng, nếu việc sáp nhập các xã và tỉnh diễn ra đồng loạt theo lộ trình (ngày 1/7 đối với xã và 1/9 đối với tỉnh) thì nhiều địa phương sẽ phải thay đổi con dấu và hệ thống giấy tờ hai lần trong thời gian ngắn.
Bà đề nghị các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn thống nhất, linh hoạt và đồng bộ để bảo đảm tính liên tục của quản lý Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến Nhân dân.
Cải cách công chức đảm bảo thực chất và trong lộ trình chuyển đổi vị trí việc làm
Về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Yến bày tỏ thống nhất việc đổi mô hình quản lý công chức từ "ngạch" sang "vị trí việc làm". Song, đại biểu đề xuất cần đảm bảo lộ trình cụ thể, đồng thời có hướng dẫn chi tiết để các địa phương chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp ngay từ bây giờ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đang triển khai Đề án tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo tinh thần các kết luận, nghị quyết của Trung ương.
Ngoài ra, đại biểu Yến cũng nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc xây dựng tiêu chí thống nhất trên toàn quốc về thu hút, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đại biểu, cần thiết phải định nghĩa rõ ràng thế nào là “người có tài năng” và có một bộ khung tiêu chí minh bạch để không mỗi nơi mỗi khác, dẫn đến sự thiếu công bằng và lãng phí nguồn lực. Những tiêu chí như kết quả học tập loại giỏi, thành tích nổi bật trong hoạt động đoàn thể, xã hội, hay danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp quốc gia cần được xem xét đưa vào như những điều kiện cụ thể, có thể lượng hóa và đánh giá được.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn hóa tiêu chuẩn công chức cấp xã theo hướng liên thông từ Trung ương đến địa phương, đại biểu Yến ủng hộ chủ trương này vì sẽ giúp hệ thống cán bộ vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn. Song, đại biểu đề nghị cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ cho đội ngũ công chức cấp xã hiện nay phù hợp. “Xã tốt thì tỉnh mới tốt, tỉnh tốt thì Trung ương mới vận hành thông suốt được”, đại biểu Yến chia sẽ đầy tâm huyết.
Khẳng định quyết tâm chính trị, đồng hành cùng cải cách thể chế
Kết thúc thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ đối với cả ba dự thảo: sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức. Đại biểu tin rằng, nếu được tiếp tục hoàn thiện trên tinh thần cải cách, thực tiễn và đồng bộ, các văn bản này sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tiến trình đổi mới mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước và phục vụ Nhân dân một cách hiệu quả, hiện đại hơn.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại: "Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và bảo đảm tính chính xác trong Hiến pháp". |
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao đối với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu Hùng cũng đề nghị cần quan tâm một số vấn đề kỹ thuật trong dự thảo Nghị quyết, cụ thể: tại khoản 1 Điều 1 sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, ông đề nghị thay cụm từ “trong hệ thống chính trị” bằng cụm từ “trong hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để bảo đảm tính đầy đủ và chính xác.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý điều chỉnh một số cụm từ lặp lại không cần thiết và đề xuất biên tập lại các quy định liên quan đến điều lệ của các tổ chức cho phù hợp về mặt ngữ nghĩa và kỹ thuật lập pháp.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)