Công chức phải được đánh giá bằng hiệu quả công việc

Thứ Tư, 14/05/2025, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 14/5, tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Đại tá Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn BR-VT) đã có bài phát biểu làm rõ những điểm nghẽn trong chính sách hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng: “Luật phải sống cùng thực tiễn, công chức phải được đánh giá bằng hiệu quả công việc”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng: “Công chức phải được đánh giá bằng hiệu quả công việc”.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ cương hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ công vụ.

Người có tài phải được nhận diện bằng tiêu chí rõ ràng

Một trong những nội dung được đại biểu Hùng đặc biệt quan tâm là chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng. Dự thảo Luật giao Chính phủ và địa phương quy định vấn đề này, tuy nhiên theo ông, việc thiếu khung tiêu chí cụ thể về “người có tài” sẽ dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, thậm chí bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần xây dựng những tiêu chí định lượng rõ ràng như kết quả học tập, thành tích nghiên cứu, năng lực giải quyết công việc vượt trội, hay đóng góp thực tiễn được xã hội công nhận.

Liên quan đến quy định về tuyển dụng công chức, ông Hùng ủng hộ việc bỏ kiểm định chất lượng đầu vào – một mô hình đã bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, ông cảnh báo nguy cơ “cục bộ hóa” nếu không có biện pháp hậu kiểm chặt chẽ. Ông đề xuất bổ sung cơ chế giải trình của người đứng đầu cơ quan tuyển dụng, đi kèm một hệ thống thanh tra độc lập từ Trung ương để ngăn ngừa lạm quyền.

Vị trí việc làm phải gắn với khối lượng công việc thực tế

Một điểm nghẽn nữa được đại biểu Hùng chỉ ra là tình trạng đề án vị trí việc làm còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực tế nhiệm vụ. Ông đề nghị bổ sung yếu tố “khối lượng công việc thực tế” vào căn cứ xác định vị trí việc làm, và xây dựng phương pháp lượng hóa cụ thể để tránh tình trạng chia suất thiếu công bằng, gây lãng phí biên chế.

Đề cao xu hướng đánh giá công chức theo kết quả công việc, ông Hùng khuyến nghị phải có hệ thống tiêu chí định lượng, chấm điểm rõ ràng, gắn liền với đạo đức công vụ. Đặc biệt, cần phân biệt cách đánh giá giữa công chức quản lý và không giữ chức vụ, để bảo đảm công bằng, khách quan.

Về xử lý kỷ luật, ông Hùng đồng tình với việc luật hóa thời hiệu xử lý, nhưng lưu ý cần bảo đảm sự tương xứng giữa hình thức kỷ luật và hậu quả pháp lý. Ví dụ, một công chức bị khiển trách nếu bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và bị buộc thôi việc là không công bằng. Đồng thời, cần làm rõ quy trình và thẩm quyền trong việc bãi nhiệm cán bộ – nội dung còn bỏ ngỏ trong Dự thảo.

Cần nhân văn và lộ trình hợp lý với công chức cấp xã

Phát biểu kết thúc, ông Hùng chia sẻ góc nhìn đầy nhân văn khi bàn về quy định chuyển tiếp đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn. Theo ông, việc thống nhất tiêu chuẩn là đúng hướng, nhưng cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ phù hợp. Ông đề xuất bảo lưu chế độ chính sách ít nhất 5 năm để đảm bảo ổn định tổ chức và động viên tinh thần đội ngũ.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.