Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Thứ Năm, 15/05/2025, 10:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, phát biểu của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt với những góp ý sâu sắc về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Quan tâm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Quan tâm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.

Về nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất bổ sung nguyên tắc “trách nhiệm mở rộng” của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải. Theo đó, chủ thể tạo ra chất thải phải chịu trách nhiệm đến cùng, kể cả khi chất thải đã được chuyển giao cho bên thứ ba. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đùn đẩy nghĩa vụ và tránh để lại gánh nặng cho Nhà nước trong xử lý hậu quả môi trường.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ tại Điều 47, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc phải trình bày kế hoạch xử lý chất thải ngay trong hồ sơ xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ. Việc kiểm soát chất thải từ khâu cấp phép sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước phòng ngừa rủi ro từ sớm và nâng cao trách nhiệm pháp lý của các chủ thể.

Về trách nhiệm của cơ sở quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Điều 48, đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết phải có tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý không chỉ dựa trên quy chuẩn kỹ thuật mà còn cần đánh giá tác động xã hội và có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư vùng bị ảnh hưởng. Thiếu minh bạch trong quy trình này có thể dẫn đến khiếu kiện, phản đối và ảnh hưởng đến sự ổn định tại địa phương.

Về xuất khẩu chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Điều 49, đại biểu đề xuất cần bổ sung yêu cầu đánh giá khả năng thu hồi trong trường hợp nước nhập khẩu vi phạm cam kết hoặc thay đổi chính sách tiếp nhận. Điều này sẽ giúp bảo vệ an toàn pháp lý và chủ quyền môi trường cho Việt Nam trước những biến động quốc tế khó lường.

Về lưu giữ và thanh lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ và thanh lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Điều 50, đại biểu kiến nghị cần quy định thời hạn tối đa được phép lưu giữ trước khi buộc phải xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có giấy phép. Việc tồn đọng vật thể nhiễm xạ quá lâu tại các cơ sở thiếu năng lực kỹ thuật có thể gây nguy cơ rò rỉ, mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Với các góp ý cụ thể, sâu sắc và giàu tính thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đã đóng góp nhiều nội dung quan trọng giúp hoàn thiện Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển bền vững.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

;
.