Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân đã có nhiều sáng kiến hay, cải tiến tốt, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).
![]() |
Trung tá Đặng Văn Hiếu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Lữ đoàn 167, người có nhiều sáng kiến phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. |
Ứng dụng cao trong thực tiễn
Mùa huấn luyện năm 2025, Lữ đoàn 167 đang áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn thực hiện. Điển hình sáng kiến về “Thiết bị kiểm tra khả năng làm việc tuyến thị tần của tổ hợp tác chiến điện tử MII-405 và huấn luyện cho trắc thủ tác chiến điện tử”.
Thiếu tá Trần Quang Minh (Thuyền trưởng, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân) tác giả sáng kiến trên cho biết, thiết bị được hoạt động theo nguyên lý: khi máy phát tín hiệu cho phép điều chỉnh các thông số về điện áp, tần số xung lặp, tần số sóng mang rồi truyền cho máy hiện sóng để kiểm tra hình dáng, mức độ ổn định của tín hiệu trước khi đưa vào máy 1PO. Khi áp dụng sáng kiến tại vị trí 1PO trên buồng cao tần số 01 của hệ tàu 12418, sẽ hỗ trợ người dùng kiểm tra sự hiển thị nguồn phát xạ điện từ màn hình trắc thủ tác chiến điện tử trên phương diện: phương vị, thông số tần số xung lặp, tần số sóng mang.
Thiết bị tạo giả các tín hiệu điện tử đặc trưng cho mục tiêu để đưa vào máy 1PO. Tại đây, máy 1PO sẽ tính toán, đọc các tín hiệu tạo giả mục tiêu để hiển thị trên màn hình trắc thủ. Qua đó, thiết bị sẽ kiểm tra được khả năng làm việc của máy 1PO và phần hiển thị màn hình tác chiến điện tử (TCĐT) thông qua việc kiểm soát xung nhiều đầu vào, đọc, kiểm tra hiển thị nhiễu hiển thị. Ngoài ra, thiết bị còn có chức năng huấn luyện cho trắc thủ TCĐT nhận biết và phân biệt các nguồn phát xạ điện từ theo từng loại mục tiêu.
Sáng kiến này sẽ giúp tăng khả huấn luyện cơ bản, thiết thực đối với trắc thủ TCĐT. Thiết bị có khả năng tạo ra đầy đủ các loại phát xạ điện tử đặc trưng cho các loại tên lửa đối hải, máy bay…phù hợp với tình huống chiến thuật khẩn trương trong bảng chiến đấu đối không.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong công tác huấn luyện, SSCĐ trên biển, Trung tá Đặng Văn Hiếu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Lữ đoàn 167 đã nghiên cứu đưa ra sáng kiến thiết bị đo vận tốc và xác định vị trí tàu. Thiết bị được sử dụng trang bị tại Trung tâm điều hành ngành cơ điện các tàu. Thiết bị giúp cho người điều khiển hệ thống động lực biết được chế độ tàu và chế độ máy đang hoạt động. Trên cơ sở đó có thể tham mưu sử dụng chế độ máy phù hợp với tình trạng kỹ thuật của hệ thống động lực, nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp, giông gió, đi trong luồng thủy hẹp...
Sáng kiến thiết bị đo vận tốc và vị trí tàu được hiển thị trên màn hình LCD, trực tiếp có thể cài đặt, phát triển thêm khi người sử dụng có thể can thiệp thiết lập vùng cảnh báo, vùng nguy hiểm... Ngoài ra, thiết bị còn bổ trợ giúp cho người sử dụng hệ động lực tham mưu chỉ huy sử dụng tốc độ tàu hợp lý, phù hợp với chế độ công suất của máy.
“Các thiết bị không chỉ áp dụng trong thực tiễn huấn luyện, SSCĐ bởi tính ứng dụng cao mà còn rất thông dụng và phổ biến trên thị trường. Trong trường hợp bị hư hỏng có thể thay thế và nạp lại chương trình phần mềm rất dễ dàng. Do đó kinh phí bảo đảm cho chế tạo và tạo zip dự trữ rất tiết kiệm và hiệu quả”, Trung tá Đặng Văn Hiếu thông tin.
“Trong sự phát triển chung của khoa học, kỹ thuật, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến kỹ thuật để phù hợp với xu thế. Các sáng kiến của cán bộ, chiến sĩ tại Lữ đoàn đã góp phần không nhỏ vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Đại tá Nguyễn Thành Nhân, Chính ủy Lữ đoàn 167
|
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Hàng năm, các phong trào thi đua như: hội thi mô hình học cụ; hội thi kho trạm, xe máy tốt; lái xe an toàn; hội thi bàn tay vàng… nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn.
Đặc biệt, Lữ đoàn còn thành lập tổ sửa chữa cơ động, tổ tinh chỉnh tàu chính quy mẫu mực. Qua đó, cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã tích cực nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều linh kiện, vật tư để thay thế, khắc phục các hư hỏng của trang, thiết bị, phương tiện. Các sáng kiến thường tập trung vào nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Nhân, Chính ủy Lữ đoàn 167, nội dung nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được xác định cụ thể trong nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy và kế hoạch công tác quân sự. Trong điều kiện cơ sở vật chất huấn luyện còn khó khăn, việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao tính trực quan, sinh động, kích thích tinh thần tích cực, nghiên cứu, tìm tòi học tập của bộ đội.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC