NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Tháng Tư về, những cựu chiến binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng trực tiếp tham gia giải phóng Bà Rịa- Vũng Tàu lại bồi hồi, xúc động, nhớ về ký ức chiến tranh. Họ hân hoan nói về niềm hạnh phúc, tự hào vì chung sức giải phóng dân tộc. Nhưng cũng xen lẫn tiếc nuối khi nhớ về bao đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, tự do.
![]() |
Cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng tưởng niệm đồng đội đã hy sinh tại chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn. |
Tự hào là chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng
Cận kề kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, cựu chiến binh Đặng Song Hoàn, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng năm xưa, nguyên Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, hiện sinh sống tại phường 10, TP.Vũng Tàu bồi hồi, xúc động. Ông Hoàn cho biết, ông nhập ngũ năm 1971, rất tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của đội quân Sao Vàng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là báo vụ viên thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 17 Thông tin, Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Nhiệm vụ của ông là cùng tổ đài thu phát điện báo, giữ vững liên lạc từ Sở chỉ huy Sư đoàn đến chỉ huy các trung đoàn và tiểu đoàn. “Những ngày tham gia chiến dịch để giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi đã nhiều đêm thức trắng trực đài, để kịp thời thông tin, liên lạc cho cấp trên. Sau khi làm chủ được Bà Rịa, trong tình hình khẩn trương và nhanh chóng để giải phóng Vũng Tàu, đêm 28/4/1975, tôi cùng đồng đội vượt sông Cửa Lấp để tiến vào giải phóng Vũng Tàu”, ông Hoàn nhớ lại.
![]() |
Bia ghi công 17 chiến sĩ và 2 thanh niên đã hy sinh trong trận đánh ở Khách sạn Palace - trận đánh giải phóng TP.Vũng Tàu năm 1975. |
Nhưng tình hình khi ấy rất khó khăn. Đoàn quân tiến đánh TP.Vũng Tau gồm có Trung đoàn 2 và Trung đoàn 12 của Sư đoàn Sao Vàng đã trải qua những trận đánh vô cùng ác liệt.
Đầu tiên là trận đánh đầu cầu Cỏ May của Trung đoàn 2. Thời đó, phía bắc cầu Cỏ May đường hẹp, độc đạo, hai bên là sình lầy, không thể triển khai lực lượng lớn được. Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2 tổ chức vượt sông, tấn công nhiều đợt nhưng không được. Có chiến sĩ vượt qua được sông thì trúng đạn địch hy sinh. Ở đầu cầu phía nam, địch phòng ngự ngăn chặn, có cả bộ binh và xe tăng cùng với lính trong lô cốt hai bên đầu cầu, bắn đạn xối xả không ngừng. Trận đánh đẫm máu ở cầu Cỏ May diễn ra ác liệt suốt ngày 29/4/1975 nhưng ta không tài nào chiếm được đầu cầu.
Khi cầu Cỏ May bị địch phá sập, Sư đoàn Sao Vàng phải thay đổi phương án tác chiến. Trước đó Trung đoàn 12 đánh ở Phước Tỉnh là cánh thứ yếu, chuyển thành chủ yếu, có nhiệm vụ vượt eo biển Long Hải bằng thuyền của dân nhanh chóng tiến vào Vũng Tàu. Trung đoàn 12 đã lệnh cho Đại đội 62, Tiểu đoàn 6 đánh quặt sau lưng cụm địch ở cầu Cỏ May, tạo điều kiện cho Trung đoàn 2 nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm những mục tiêu ở phía nam cầu, rồi chọc thẳng vào cảng Cát Lở và phát triển xuống trung tâm TP.Vũng Tàu. Từ đó thế trận thay đổi, địch dao động, tan rã nhanh, tháo chạy.
Trận đánh ở Khách sạn Palace (số 1, Nguyễn Trãi, phường 1 ngày nay) của Trung đoàn 12 cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Ở đây, bọn sĩ quan và lính ác ôn khét tiếng chống cộng, chạy về co cụm cố thủ ở Khách sạn Palace chống trả tuyệt vọng, chờ đồng bọn ngoài biển vào cứu. Ta mở nhiều đợt tấn công nhưng địch vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt, gây cho ta nhiều thương vong. Ta chiếm được tầng trệt, từ tầng 2 trở lên, địch vẫn chống cự quyết liệt. Địch còn bắt dân thường dồn lại làm lá chắn sống cho chúng nên bộ đội ta không thể dùng bộc phá đánh sập nhà vì còn lo cho tính mạng dân. Trong khi ta chưa có cách nào đánh chiếm những tầng trên thì ngay lúc đó, nhờ có hai người dân (trong đó có liệt sĩ Trương Ngọc) đi kéo lưới ở Bãi Trước về, dẫn đường cho Đại đội 62 bất ngờ mở đợt tấn công từ hướng phía sau đánh lên, ta mới chiếm được toàn bộ Khách sạn Palace. Trưa ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.
Ông Hoàn còn nhớ như in cảnh tượng vào thời khắc ấy, người dân Vũng Tàu vô cùng phấn khởi, tay bắt mặt mừng, người cười, người khóc vì quá xúc động. Lòng tin, niềm hy vọng chờ đợi đã bao lâu mới có ngày hôm nay! Từng đoàn người kéo ra đường phố mừng thắng lợi. Cờ cách mạng tung bay khắp nhà, khắp phố, trên Núi Lớn, Núi Nhỏ. Nhân dân nấu nước, mang thực phẩm, rau xanh ra cho bộ đội, cùng tham gia chăm sóc thương binh.
Tiếp đó, đêm 1/5, ông Hoàn lại cùng đồng đội lên tàu, ra giải phóng Côn Đảo. Sau đó, ông đã ở lại huyện đảo hơn 1 tháng để làm nhiệm vụ quân quản.
“Tôi vinh dự có 6 năm đứng trong hàng ngũ của Sư đoàn Sao Vàng, trực tiếp tham gia chiến đấu, giải phóng Bà Rịa và TP.Vũng Tàu. Đó cũng là mối duyên để sau này, tôi đã gắn bó với mảnh đất này 40 năm nay. Trên người tôi còn mang thương tích của chiến tranh và di chứng của những trận sốt rét ác tính vẫn còn đau nhức dai dẳng. Nhưng so với các đồng chí, đồng đội đã hy sinh thì tôi còn may mắn hơn rất nhiều”, ông Hoàn xúc động nói.
Tri ân công ơn
Trong những ngày chiến đấu giải phóng Bà Rịa và TP.Vũng Tàu, đã có 69 chiến sĩ của Sư đoàn Sao Vàng hy sinh, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho xây dựng bia đá, khắc ghi tên tuổi của các liệt sĩ Sư đoàn Sao Vàng tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May.
Trong 10 năm chống đế quốc Mỹ, Sư đoàn Sao Vàng đã đánh 5.500 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10.000 tên địch, góp phần giải phóng nhiều tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Phước Tuy (cũ) và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Với nhiều chiến công oanh liệt, Sư đoàn đã được tặng danh hiệu Anh hùng; 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, 10 đại đội và 13 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chống quân xâm lược biên giới phía Bắc.
|
Ngoài ra, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu còn dành nhiều sự quan tâm, tri ân các cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng. Điển hình, dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, với sự hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Vũng Tàu, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng đã tổ chức gặp mặt, tri ân cho hơn 300 đại biểu, là cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Họ cùng nhau về thăm lại chiến trường xưa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thăm lại đồng chí, đồng đội, đồng bào; thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May, Tượng đài Phước Thắng (phường 11) và Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Khách sạn Palace.
Bài, ảnh: THI PHONG