Sư đoàn 3 Sao Vàng trong tháng Tư lịch sử - Kỳ 1: Tiến vào giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu

Thứ Ba, 15/04/2025, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Sau khi được thành lập, Sư đoàn 3 Sao Vàng không ngừng lớn mạnh, tham gia chiến đấu liên tục, lập nhiều chiến công oanh liệt, là đội quân tiêu biểu trong thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng. Đặc biệt, trong những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, đơn vị đã cùng quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu kiên cường chiến đấu, đi tới thắng lợi cuối cùng. 

Cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng Phạm Quang Lập, hiện là đại diện Ban liên lạc Sư đoàn Sao Vàng,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại Bia tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May (phường 12, TP.Vũng Tàu).
Cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng Phạm Quang Lập, hiện là đại diện Ban liên lạc Sư đoàn Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại Bia tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May (phường 12, TP.Vũng Tàu).

Nỗi ám ảnh của quân thù

Sư đoàn 3 Sao Vàng hay còn gọi là Sư đoàn Sao Vàng là đơn vị chủ lực của Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thành lập vào tháng 9/1965. Ban đầu, sư đoàn hoạt động chủ yếu ở chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tên gọi “Sao Vàng” luôn được nhắc đến dưới các nếp nhà tranh, dưới rặng dừa và cả trong các thị trấn, thành phố. Khi có thông báo tuyển quân, ai cũng mong muốn con em mình được làm chiến sĩ của bộ đội Sao Vàng. Du kích các xã, bộ đội các huyện cũng lựa chọn những người xứng đáng nhất bổ sung cho Sư đoàn Sao Vàng. Cũng từ đây, hai tiếng “Sao Vàng” thường xuyên ám ảnh và trở thành nỗi lo lắng ngày đêm của ngụy quân, ngụy quyền và cả quân đội đế quốc Mỹ.

Trung tuần tháng 9/1965, lần đầu tiên, toàn sư đoàn ra quân. Hầu hết các đơn vị của sư đoàn đều được bổ sung súng, đạn, từ CKC, AK đến trọng liên 12,8 ly, ĐKZ.75, cối 120, 82, lựu đạn, bộc phá... Với sự lớn mạnh không ngừng, sư đoàn đã góp phần cùng quân và dân Khu 5 đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường Quảng Ngãi - Bình Định. Sau đó, đơn vị tiếp tục đánh bại cánh quân lớn nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (1965-1966)...

Các cựu chiến binh TP.Vũng Tàu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May (phường 12, TP.Vũng Tàu).
Các cựu chiến binh TP.Vũng Tàu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May (phường 12, TP.Vũng Tàu).

Một trong những chiến công hiển hách nhất của Sư đoàn Sao Vàng là góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Mùa Xuân năm 1975, sư đoàn đã nắm chắc thời cơ, kịp thời tiến công tiêu diệt địch, góp phần chủ yếu giải phóng Bình Định; hoàn thành nhiệm vụ “cắt” quân địch ở đường số 19 trong chiến dịch Tây Nguyên. Sau đó, đơn vị nhanh chóng tiến đánh Phan Rang. Tiếp đó, vừa hành quân vừa đánh địch, sư đoàn tiến nhanh xuống phía Nam, tiến vào chiến trường Bà Rịa-Long Khánh.

Cựu chiến binh Sư đoàn Sao Vàng Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cho biết, với nhiệm vụ tiêu diệt địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), Vũng Tàu, góp phần giải phóng miền Nam, đơn vị được bổ sung lực lượng. Ngày 16/4/1975, hơn 1.000 chiến sĩ từ miền Bắc rời cảng Hải Phòng, 3 ngày sau đã cập bến cảng Cam Ranh, kịp thời bổ sung cho Sư đoàn Sao Vàng.

Trong lời tựa của cuốn sách “Sư đoàn Sao Vàng”, in năm 1984, nguyên Bí thư Khu ủy Khu 5, kiêm Chính ủy Quân khu 5 (cũ), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Chí Công nhận xét: Nét đặc trưng trong chiến đấu của Sư đoàn Sao Vàng là gắn chặt với phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương, thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, binh vận, giữa nổi dậy và tiến công, có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng.

Thần tốc hành quân giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu

Được tăng cường lực lượng, Sư đoàn Sao Vàng thêm sức mạnh và ào ạt tiến vào chiến trường Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây, đơn vị nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Khu ủy miền Đông, Tỉnh ủy Phước Tuy, Thành ủy Vũng Tàu và đông đảo Nhân dân, cán bộ nội thành và các lực lượng vũ trang để chiến đấu.

“Thời gian rất gấp. Chúng tôi hành quân xuyên đêm 25/4/1975, băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Mờ sáng 26/4/1975, tôi cùng đồng đội đặt chân đến Châu Pha (TP.Phú Mỹ ngày này). 17 giờ chiều hôm đó, hàng loạt tiếng nổ rền vang như sấm. 19 giờ, Trung đoàn 141 của sư đoàn bắt đầu tiến công vào TX.Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa). Hỏa lực của ta bắn áp đảo các vị trí địch trong thị xã. Trong tiếng nổ dồn dập của súng, pháo, đại đội xe tăng 4 chở 3 tiểu đoàn ầm ầm tiến vào trung tâm thị xã. Trước sự xuất hiện đột ngột của xe tăng, địch tháo chạy hỗn loạn”, ông Phạm Quang Lập kể.

Hửng sáng 27/4/1975, được xe tăng dẫn đường, Sư đoàn Sao Vàng đánh thẳng vào khu an ninh, cảnh sát, sở chỉ huy liên đoàn bảo an của địch ở Bà Rịa. Cùng lúc đó, các cánh quân khác của sư đoàn ở phía Tây đánh từ Núi Dinh vào, từ phía Đông đánh vào trung tâm huấn luyện của địch ở Vạn Kiếp... Trưa 27/4/1975, TX.Bà Rịa hoàn toàn giải phóng. Một lá cờ giải phóng lớn tung bay trên tháp nước Nhà Tròn.

Sau đó, sư đoàn khẩn trương bước vào giai đoạn 2 với nhiệm vụ cuối cùng: Vượt cầu Cỏ May, giải phóng Vũng Tàu.

Bài, ảnh: THI PHONG

(Còn nữa)

;
.