NỘI DUNG LIÊN QUAN:
"Vững bền một dải non sông” - Chương trình gặp mặt kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu (27/4); 50 năm giải phóng miền Nam (30/4) do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức như một hành trình xúc cảm kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai.
![]() |
Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện cho thế hệ tham gia kháng chiến trao cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho đại diện tuổi trẻ của tỉnh. |
Quá khứ oanh liệt, hào hùng
Giữa những ngày tháng Tư của hiện tại, Tháng Tư rực lửa hào hùng cách đây vừa tròn nửa thế kỷ đã được tái hiện sống động qua những thước phim tư liệu và qua lời kể của những chứng nhân lịch sử.
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hòa chung với dòng chảy của lịch sử dân tộc và khí thế tiến công thần tốc của quân, dân toàn miền Nam và cả nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Long Khánh đã chuẩn bị chỉ đạo lực lượng, tạo thế trận phối hợp với bộ đội chủ lực.
Với khí thế dũng mãnh, thần tốc, táo bạo, bí mật và bất ngờ, quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Sư đoàn Sao Vàng, đơn vị A23 Đặc công thủy Vũng Tàu và các đơn vị vũ trang, tổ chức nhiều mũi tiến công, đấu tranh, chiến đấu oanh liệt, tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh, góp phần thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối.
![]() |
Các đại biểu đại diện cho hàng ngàn người tham gia kháng chiến tham dự chương trình. |
Những ngày tháng ấy, có những người đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20, máu xương hòa vào đất mẹ. Người ở lại nay mái tóc đã pha sương, nhưng những ký ức đau thương mà anh dũng vẫn không thôi thổn thức.
Đại úy Nguyễn Văn Hồng, Nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng; Nguyên Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Quân đoàn 4 nghẹn ngào nhớ lại, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 3 tổ chức thành hai hướng tiến thẳng vào Bà Rịa, Long Đất. Khi vượt sông chiến đấu, nhiều chiến sĩ hi sinh hoặc bị nước cuốn. Máu thắm sình lầy. Nhưng đoàn quân vẫn băng lên phía trước với mục tiêu nhanh chóng chiếm được Vũng Tàu để chặn địch tháo chạy ra bờ biển.
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Toàn quốc Chiến sĩ Cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày nghẹn ngào nhớ về kỷ niệm khi đón nhận tin chiến thắng từ Côn Đảo: “Khoảng 5 giờ sáng ngày 1/5, chúng tôi nghe qua radio giọng của Thượng tướng Trần Văn Trà công bố các điều về thiết quân luật để bảo vệ Sài Gòn và quy định những điều được làm không được làm trong thời gian quân quản. Tụi tôi la lên: “Mình thắng rồi! Mình sống rồi! Và mỗi người tự hô những khẩu hiệu mà mình tự nghĩ ra. Đặc biệt là khi lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng kéo lên ở Côn Đảo, chúng tôi vừa ca bài ca giải phóng miền Nam vừa khóc. Khóc trong sự xúc động, vui mừng và cả niềm tiếc thương những người nằm xuống tại Côn Đảo”.
Bà Rịa - Vũng Tàu có 40.392 người có công với cách mạng. Trong đó, có 1.136 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 32 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 70 cán bộ lão thành cách mạng; 41 cán bộ tiền khởi nghĩa; 8.887 liệt sĩ; 4.554 thương, bệnh binh; 1.687 người tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tô quốc… Xác định công tác "Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn" là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tỉnh đã và đang triển khai hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội như: Trợ cấp hàng tháng, tổ chức điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ; Ưu tiên cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho người có công, sửa chữa - xây mới hơn 350 căn nhà tình nghĩa. Nhiều phong trào tri ân được lan tỏa rộng khắp như: "Toàn dân chăm sóc người có công", "Thắp nến tri ân", "Nghĩa tình đồng đội", "Tấm lòng vàng vì người có công"… nhằm tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự kiên cường và tinh thần bất khuất của các bậc tiền nhân. (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến) |
Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Đất nước hòa bình, non sông liền một dải tròn nửa thế kỷ. Thế nhưng, dấu ấn lịch sử-Ngày Giải phóng 30/4 thì vẫn mãi khắc ghi trong lòng dân tộc. Bởi Quá khứ là để tưởng nhớ, Hiện tại là để biết ơn, và Tương lai là để viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Lá thư được tìm thấy giữa một cánh rừng Đông Nam Bộ, bên cạnh 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Bình Giã, Quân Giải phóng miền Nam viết: “Cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống-sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày càng tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no-hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng”.
Những thông điệp ấy cũng là lời nhắc nhở nhắc nhở thế hệ hôm nay trân trọng, gìn giữ giá trị hòa bình, góp sức dựng xây đất nước, quê hương trên hành trình mới.
![]() |
Tiết mục Bão nổi lên rồi do các cô, chú Đoàn văn công Bà Rịa-Long Khánh biểu diễn. |
Trong không khí trang nghiêm của buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc tới cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã hy sinh cống hiến cả đời mình, viết lên những trang sử hào hùng và rất đỗi tự hào trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của quê hương và đất nước.
“Sự hy sinh của các đồng chí mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá, là ngọn nguồn sức mạnh để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam… Hướng tới tương lai, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước cách mạng, bản sắc văn hóa và khí chất con người vùng Đất Đỏ Miền Đông gian lao mà anh dũng”, bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
TUYẾT MAI-KHÁNH CHI