KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ GIẢI PHÓNG CÔN ĐẢO

"Lõm giải phóng" ở nhà tù Côn Đảo

Thứ Sáu, 25/04/2025, 16:05 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày tháng Tư lịch sử, có dịp trở lại Côn Đảo cùng các cựu tù chính trị Trại 6B Côn Đảo (Trại Phú An), chúng tôi được nghe chuyện sinh hoạt văn hóa sôi nổi trong những năm tháng tại “địa ngục trần gian”.

Cựu tù chính trị Lê Thân chỉ nơi cất giấu radio tại Trại 6B Côn Đảo.
Cựu tù chính trị Lê Thân chỉ nơi cất giấu radio tại Trại 6B Côn Đảo.

Tiếng hát át tiếng roi

Noi gương Anh hùng liệt sĩ Lưu Chí Hiếu, tập thể tù chính trị câu lưu Trại 6B Côn Đảo đã từng bước củng cố đội ngũ, thống nhất tư tưởng, hành động và tiến tới thành lập tổ chức Đảng trong nhà tù vào ngày 3/2/1972. Đảng bộ tổ chức thành lập Đoàn Thanh niên mang tên Nguyễn Văn Trỗi.

Các cựu tù chính trị Trại 6B cho hay, sau khi tổ chức Đoàn được thành lập, hoạt động văn hóa, văn nghệ của tù nhân mạnh lên thấy rõ. Từ đó, đời sống tinh thần của anh em tù chính trị được cải thiện. Tinh thần tự học, tự đào tạo của thanh niên cũng được đẩy mạnh. Các ngày lễ kỷ niệm của cách mạng, của dân tộc được tổ chức trọng thể, công khai treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bất chấp sự khủng bố của kẻ thù. Sinh hoạt trong trại giống như một vùng “lõm giải phóng” giữa lao tù.

Cựu tù chính trị Sầm Thanh Liêm (SN 1942, nguyên Bí thư Đoàn Nguyễn Văn Trỗi, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Trại 6B) kể: Đảng ủy Lưu Chí Hiếu chỉ đạo tập hợp 37 đoàn viên là những thanh niên ưu tú làm nòng cốt trong sinh hoạt và đấu tranh mật trong Đoàn trại, Phân đoàn. Bất chấp chế độ giam cầm hà khắc, các loại nhục hình tra tấn, anh em vẫn kiên trung, tận dụng thời gian trong lao tù để nâng cao kiến thức, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí phục vụ cách mạng. Phong trào học văn hóa diễn ra sôi nổi. Không bục giảng, không giáo án, không phấn, không bảng, tù nhân cũng không biết rõ mặt người thầy của mình vì chỉ được nghe lời giảng qua song sắt và bức tường ngục tù...

“Dù không hề thấy mặt nhau và bụng đói cồn cào nhưng tất cả đều cất tiếng hát bởi chúng tôi hiểu rằng: ca hát trong tù, nhất là trong cảnh ngộ này, là một hình thức đấu tranh với địch để thể hiện khí phách hiên ngang và cũng là đấu tranh với bản thân để vượt qua gian nguy, đói khổ, củng cố lòng tin, thêm lạc quan cho cuộc chiến đấu vinh quang nhưng đầy gian khó. Với khí thế “tiếng hát át tiếng roi”, từ ca hát đến biểu diễn văn nghệ từng phòng lan rộng thành ca hát, biểu diễn toàn trại…”, cựu tù Sầm Thanh Liêm nhớ lại.

“Báu vật” trong nhà tù

Đó là chiếc radio do ông Phạm Văn Ba (sau này là Trưởng ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo TP.Đà Nẵng) lần thứ 2 bị đưa ra Côn Đảo cất giấu mang theo. 

Cựu tù chính trị Trại 6B Lê Thân (SN 1946, quê Khánh Hòa, đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh) kể lại: Cuối năm 1971, trước sự đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, địch buộc phải đưa một số tù chính trị bệnh nặng về đất liền chữa trị, trong số này có ông Phạm Văn Ba. 

Sau cuộc phẫu thuật tại bệnh viện, ông Phạm Văn Ba bị địch giam giữ tại nhà tù Chí Hòa. Khi chuẩn bị tái lưu đày ra Côn Đảo vào tháng 1/1973, ông Phạm Văn Ba bí mật đem theo chiếc radio 3 băng do ông Andre Menras, một bạn tù chính trị người Pháp tặng khi cùng ở chung khám Chí Hòa.

Chiếc radido được các tù chính trị bí mật cất giấu để qua mặt địch. Họ tìm một chỗ kín đáo trước bàn cầu tiêu của căn phòng trong trại 6 rồi khoét lỗ để vừa chiếc radio. Địch đến tra hỏi, khám xét nhiều lần nhưng không thể phát hiện suốt 3 năm trời.

Trại 6B Côn Đảo có 11 người cựu tù trở về được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 1 người là Anh hùng Lao động. Trên tấm bia tưởng niệm tại Trại 6B ghi danh hơn 30 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong khoảng thời gian tái thiết khí tiết cách mạng.

Nó được các tù yêu nước ví như báu vật vô giá giữa địa ngục trần gian. Để bảo quản “báu vật”, Đảng ủy nhà lao giao cho các tù chính trị uy tín canh giữ. Trong đó, Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Sử học Bùi Văn Toản là người có thời gian cất giữ lâu nhất. Thông qua những thông tin nghe được, ông Toản cùng với nhiều tù binh khác được giao nhiệm vụ biên tập, trình bày báo tường, phục vụ công tác truyền tải tin tức đến toàn thể các chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, nhờ thông tin được truyền tải thông qua radio, Đảng ủy nhà lao nhanh chóng cập nhật những diễn biến quan trọng của chiến dịch để kịp thời có đối sách, phòng địch thủ tiêu tù binh trước giờ giải phóng. Đêm 30/4, tin tức thắng trận được lan truyền cũng là lúc các cựu tù chính trị yêu nước bắt đầu vùng lên đấu tranh và đến rạng sáng hôm sau thì hoàn toàn làm chủ nhà tù Côn Đảo.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.