.

Đột phá cải cách hành chính

Cập nhật: 16:33, 13/04/2025 (GMT+7)

Năm 2024, Chỉ số cải cách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 2 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2023, dẫn đầu các tỉnh Đông Nam Bộ. Để có kết quả ấn tượng này tỉnh đã triển khai đồng loạt các kế hoạch, giải pháp quyết liệt từ các cấp, ngành và địa phương, mang đến sự hài lòng cho người dân, DN. Ông Phạm Thành Chung, Giám đốc Sở Nội vụ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu chung quanh nội dung này.

Ông Phạm Thành Chung cho biết, Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, các chỉ số kể trên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều tăng hạng.

Cụ thể, Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, Chỉ SIPAS xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, tỉnh tăng hạng liên tiếp trong các năm gần đây. Năm 2023, kết quả Chỉ số PAR INDEX của tỉnh xếp 5/63 tỉnh, thành phố tăng 1 hạng so với năm 2022 là hạng 6. Chỉ số hài lòng SIPAS của tỉnh năm 2023 xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 hạng so với năm năm 2022 là 18/63. Ba năm liên tục, tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh Đông Nam Bộ về chỉ số PAR INDEX.

Bên cạnh đó, hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đã giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao trên 98%. Các mô hình sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN được triển khai như: tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc địa giới hành chính lĩnh vực cấp đổi giấy phép lái xe ô tô, an toàn thực phẩm; đến cơ sở y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe ô tô; sử dụng máy bay không người lái trong thi công, khảo sát địa hình mặt đất phục vụ trắc địa, đo đạc bản đồ giúp giảm bớt thời gian thực hiện TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC của ngành tài nguyên...

* Kết quả ấn tượng trên xuất phát từ những giải pháp nào, thưa ông?

- Ông Phạm Thành Chung: Công tác cải CCHC luôn được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, đó là lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ.

Tỉnh đã rút ngắn 40-45% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của bộ, ngành Trung ương đối với hơn 40% tổng số TTHC (800 TTHC); cung ứng 100% TTHC đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (trong đó 521 dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 26%, 1.113 dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 56%). Đặc biệt, trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt cải cách tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đảm bảo theo đúng lộ trình của Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh khảo sát nộp hồ sơ trực tuyến của người dân tại Bộ phận một cửa UBND TP.Phú Mỹ vào ngày 28/3/2025.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh khảo sát nộp hồ sơ trực tuyến của người dân tại Bộ phận một cửa UBND TP.Phú Mỹ vào ngày 28/3/2025.

Việc thực hiện tốt công tác CCHC thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần rất lớn để đạt được những kết quả về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thời gian qua. Năm 2024, GRDP (trừ dầu khí) của tỉnh tăng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn dự báo và là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây...

Kết quả trên đã được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, thể hiện qua việc chỉ số của tỉnh đã được công bố đều tăng hạng qua các năm.

* Thưa ông, công tác cải cách hành chính trong năm nay của tỉnh đặt ra những nội dung trọng tâm nào?

- Xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ rất quan trọng, nên tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết công việc, đặc biệt là giải quyết TTHC cho người dân, DN, đảm bảo liên tục, thông suốt, không để ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cũng như nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, DN. Tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chậm trễ công việc. Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với quyết tâm cao nhất, có chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ sản phẩm cụ thể, phân giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để thực hiện đảm bảo theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đối với Sở Nội vụ, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ đề ra 2 nhiệm vụ đột phá. Một là tham mưu thực hiện công tác sắp xếp tổ chức, kiện toàn các cơ quan hành chính Nhà nước đảm bảo hoàn thành 100% yêu cầu, tiến độ công việc theo kế hoạch UBND tỉnh giao. Hai là 100% lãnh đạo, công chức phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc; 80% hồ sơ TTHC được phát sinh bằng hình thức trực tuyến toàn trình.

Để hoàn thành 2 khâu đột phá trên, Sở Nội vụ sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện và thường xuyên kiểm tra, đánh giá để đề ra các giải pháp thích hợp nhằm đạt được khâu đột phá đã đề ra.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

AN NHIÊN (Thực hiện)

.
.
.