NỘI DUNG LIÊN QUAN:
30/4/1975-ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Với riêng Đại tá Nguyễn Văn Tàu, niềm vui nhân đôi bởi đó còn là ngày đầu tiên ông thật sự có một gia đình.
![]() |
Những cuốn sách ông Tư Cang viết ghi lại một cách trung thực về các sự kiện và những con người đã đi qua các cuộc chiến tranh với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻ bằng người thật, việc thật. |
Vỡ òa cảm xúc chiến thắng
30/4/1975 với ông Tư Cang là một ngày thật dài. Đà tiến công của 5 cánh quân vào Sài Gòn rầm rập như lũ cuốn. Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động mà ông vừa nhận nhiệm vụ Chính ủy đã chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc, cầu Rạch Bà, đã rải khắp các cửa ngõ sẵn sàng mở đường, dẫn đường, đón các cánh quân chủ lực tiến vào giải phòng Sài Gòn.
Đại tá Tư Cang kể: “Chính quyền Sài Gòn đã thay đổi nội các 3 lần trong 2 tuần, từ tổng thống đến tướng, sĩ quan, lính đều đã và đang tìm đường di tản. Kết cục đã thấy rõ trước mắt nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cho những phương án xấu nhất. Suốt đêm di chuyển từ Củ Chi về Sài Gòn, sáng hôm sau chỉ huy sở đóng tại sân đình ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn. Sau khi tổng hợp tin tức các hướng, một đại đội trưởng pháo binh đến họp với tôi, thảo luận việc đặt pháo trên các cao điểm của Sài Gòn phòng trường hợp đối phương tử thủ”.
Mỗi dịp 30/4, Lữ đoàn 316 lại tổ chức tưởng niệm 52 anh em hy sinh ở cầu Rạch Chiếc. Những gương mặt của đồng đội như hiện về, trách móc: “Hòa bình rồi, các anh đã quên chúng tôi...”. Tôi bật dậy. Không. Quên làm sao được. Tôi nhất định không quên. Nhưng không quên thì phải làm gì, làm gì đây để xứng với những đồng đội tôi đã không được nhìn thấy hòa bình?
Tôi chọn việc phù hợp nhất với mình: viết. Viết về đồng đội tôi, về những ước mơ mà chúng tôi đã cùng nuôi dưỡng, cùng xây đắp trong sinh tử. Những ước mơ về ngày thống nhất, ngày hòa bình, ngày độc lập.
Và nhiều cuốn sách tôi đã viết như: “Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968”, “Nước mắt ngày gặp mặt”, “Hoàng hôn trên chiến trường”, “Bến Dược vùng đất lửa”, “Trái tim người lính”, “Tình báo kể chuyện”… Tôi chỉ ghi lại một cách trung thực về các sự kiện và những con người đã đi qua các cuộc chiến tranh với ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻ bằng người thật, việc thật.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu
|
Sống ở Sài Gòn từ thời học sinh, bao năm ra vào hoạt động tình báo ở Sài Gòn, địa điểm nào ông đều nắm trong lòng bàn tay. Xác định các điểm trọng yếu rất nhanh mà lòng ông nhói buốt. Bởi ông yêu thành phố này biết bao.
“Vì thế khi điện đài chúng tôi bắt được bản tin đầu tiên của Hãng thông tấn UPI: “Hỏa tốc-Chánh phủ Sài Gòn đầu hàng. Tổng thống Dương Văn Minh đã ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng, ra lệnh binh sĩ thuộc quyền ngừng chiến đấu” và sau đó nghe rõ tiếng của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng trên đài Sài Gòn, ông Tư Cang và đồng đội vỡ òa cảm xúc người chiến thắng.
Đại tá Tư Cang nhớ lại: “Chúng tôi ôm nhau trào nước mắt. Tôi bắt tay anh đội trưởng pháo binh: “Thôi, khỏi cần đặt pháo gì nữa nghen đồng chí”. Chiến tranh kết thúc thật rồi, súng đạn của chúng tôi sẽ không còn phải nổ ở thành phố này thêm lần nào nữa. Mừng quá!”.
Ông tìm xe về Sài Gòn, cờ giải phóng đã bay phấp phới mọi nơi. Ông lại tìm một điểm hẹn mới, đi chiếm lĩnh các trụ sở, tổ chức việc phòng thủ, bảo vệ, tiếp quản, đóng quân... Mãi đến khuya ông mới thu xếp được một giờ đồng hồ cho việc riêng trước khi tập trung về đơn vị.
![]() |
Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: TL) |
28 năm trở về đã có cháu ngoại
“Nước mắt nhỏ giọt buổi chia tay
Nước mắt ngưng đọng những năm dài khói lửa
Nước mắt tuôn trào ngày thắng lợi huy hoàng
Và còn cả:
Nước mắt chua cay của kẻ xâm lược và tay sai tiếc rẻ miếng mồi ngon đã mất…”-là lời tựa hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt” của ông Tư Cang mà ông đọc cho chúng tôi trong câu chuyện ngày giải phóng 30/4.
Ông Tư Cang như ngược về quá khứ: “Vào một đêm trăng, tôi đã từ biệt người vợ trẻ để đi đánh giặc, hẹn ngày sạch bóng giặc quay trở về. Vậy mà đằng đẵng 28 năm trời. Chúng tôi hẹn nhau đặt tên con là Nhồng, tên loài chim biết nói tôi yêu thích thuở thiếu thời. Chia tay nhau biền biệt đến hôm nay tôi về nhà lần đầu, con gái đã 28 tuổi, cháu ngoại 3 tuổi. Còn ngày nào hạnh phúc hơn trong đời tôi được nữa. Nước mắt cứ vậy mà trào ra”.
Trải qua 28 năm, ông may mắn được về nhà, gặp vợ con, còn bao nhiêu đồng đội của ông đã nằm lại nơi rừng xanh, nơi đáy sông, nơi hầm sâu, góc phố.
Ông nhớ như in mâm cơm gia đình đoàn tụ đầu tiên được con gái dọn ra là lúc đồng hồ điểm 12 giờ khuya mà trong mắt ông như thấy một bình minh huy hoàng của mùa Xuân mới. Đó là mùa Xuân mới của đất nước đã đến, thức dậy những yêu thương đã bao năm bị che khuất bởi đau khổ của chiến tranh. “Hòa bình thật rồi. Cháu ngoại tôi sẽ lớn lên mà không phải chứng kiến, trải qua chiến tranh nữa…”.
Sau chiến thắng 30/4/1975, ông Tư Cang tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ ở chiến trường Tây Nam, rồi bị thương. Cùng với những vết thương thời chống Pháp và chống Mỹ, ông được xét là thương binh hạng 2/4, mất sức 61%. Đến cuối năm 1980 ông nghỉ hưu. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2006.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG