Điệp viên lão luyện Nguyễn Văn Tàu - Kỳ 2: Trận tử chiến trên cầu Rạch Chiếc

Thứ Tư, 02/04/2025, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Trận đánh chiếm và tử chiến giữ cầu Rạch Chiếc (phía đông Sài Gòn) là trận đánh lớn cuối cùng mà Đại tá Nguyễn Văn Tàu tham gia khi làm Chính ủy Lữ đoàn 316. Thắng lợi trên cầu Rạch Chiếc, tạo bàn đạp, mở thông cửa ngõ phía Đông cho quân ta tiến vào Sài Gòn. 

Đại tá Nguyễn Văn Tàu dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm cầu Rạch Chiếc  ngày 26/4/2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đại tá Nguyễn Văn Tàu dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm cầu Rạch Chiếc ngày 26/4/2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chỉ thị đặc biệt trước giờ G

Tháng 4/1975, khi đang học bổ túc cán bộ cấp cao tại Học Viện Chính trị của quân đội Đông Anh (Hà Nội), ông Tư Cang được điều trở lại miền Nam, đảm nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn.

Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (B2) gồm 13 cụm biệt động (lấy phiên hiệu từ Z20 đến Z32), 4 tiểu đoàn đặc công (D80 đến D83), trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Miền Việt Nam (B2).

Cấp trên chỉ thị nhiệm vụ chính của Lữ đoàn 316 là trước giờ G và ngày N (tức là giờ, ngày các cánh quân đồng loạt tiến công Sài Gòn) thì phải đánh chiếm và giữ cho được những cây cầu xung quanh Sài Gòn bảo đảm cho đại quân cùng xe, pháo tiến qua. Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định là cầu Rạch Chiếc.

Sau thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn. Lúc này, cầu Rạch Chiếc-cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn được chính quyền Sài Gòn tăng cường khoảng 2.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu. Địch xác định giữ cầu Rạch Chiếc để cơ động, nhưng cũng sẵn sàng phá cầu để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn.

Nhằm tạo lợi thế trước khi tiến đánh cầu Rạch Chiếc, trong nội thành, Lữ đoàn 316 cử một đội biệt động đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch ngay từ phút đầu. Đồng thời, nhiều tiểu đoàn mạnh đánh vào hai trại Cổ Loa và Phù Đổng ở Gò Vấp là căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch.

Ngoài ra, những tổ vũ trang mà Lữ đoàn đã xây dựng ở các cửa ngõ ra vào thành phố như ngã tư Hàng Xanh, cầu Bình Triệu, Phú Thọ Hòa, ngã tư Bảy Hiền… phải làm nòng cốt cho sự nổi dậy của đồng bào để phá rã bộ máy chính quyền của địch, xác định quyền làm chủ của quần chúng cách mạng cơ sở.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu bồi hồi kể: Lữ đoàn 316, tưởng chừng như được ghép lại từ những mảnh ghép rời rạc: tình báo hành động, đặc công bộ, đặc công thủy, đặc công cơ giới, biệt động, đã đánh những trận quyết chiến cuối cùng với các mục tiêu chiến lược nêu trên, để hoàn thành nhiệm vụ cao nhất: Kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, vào ngày 30/4 lịch sử 50 năm trước.

Cầu Rạch Chiếc xưa (ảnh tư liệu).
Cầu Rạch Chiếc xưa (ảnh tư liệu).

Trận đánh cầu Rạch Chiếc

Đêm 27/4/1975, Sài Gòn ngột ngạt. Trận chiến quyết định đang đến hồi kết. Lữ đoàn đặc công biệt động 316 được lệnh vượt sông, tấn công cầu Rạch Chiếc. Ông Tư Cang trực tiếp tham gia đợt tấn công đầu tiên.

Vì đã được chuẩn bị kỹ càng nên đợt tấn công đầu thuận lợi, quân ta làm chủ trận địa. Tuy nhiên, sau đó địch đã chống trả quyết liệt. Từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái và tàu chiến, địch dùng đạn pháo bắn tới cầu Rạch Chiếc liên tục đến sáng. Rồi chúng chuyển sang đạn pháo chụp nổ từ trên cao, gây bất lợi cho quân ta. Trước việc khá nguy cấp, cấp trên hạ lệnh rút lui.

“Ngày 28/4, Ban Chỉ huy chúng tôi cùng với các đồng chí trong Ban Tác chiến Lữ đoàn luôn trực bên máy vô tuyến theo dõi chỉ đạo chiến đấu, động viên tinh thần các cánh quân”, Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại thời khắc cam go.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể tiếp: Vào tối 29/4, đơn vị được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, không cho địch phá để đón các cánh quân từ hướng Đông vào Sài Gòn. Các chiến sĩ còn lại của Z22, Z23 (thuộc Lữ đoàn 316) nhanh chóng chuẩn bị cho trận đánh. Đúng 5h sáng 30/4, đơn vị nổ súng chiếm cầu. Lúc này, quân địch thất trận từ Xuân Lộc và Long Thành (Đồng Nai), dồn về đây rất đông, nhưng tinh thần của chúng vô cùng hoang mang, nên khi ta nổ súng chúng chỉ chống trả yếu ớt rồi vứt bỏ vũ khí tháo chạy tán loạn. Từ lúc này, cầu Rạch Chiếc được đơn vị giữ vững. Đến 9h 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 quân giải phóng qua cầu, thọc sâu vào thành phố, tiến về Dinh Độc lập, giải phóng Sài Gòn.

Nhớ lại trận đánh quyết tử năm xưa, ông xúc động nói: “Trận cầu Rạch Chiếc là trận đánh gần Sài Gòn nhất, tạo bàn đạp cho các đơn vị quân đội chủ lực tiến vào nội ô. Trong trận giằng co ác liệt đó, 52 cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã anh dũng hy sinh. Sau chiến tranh, đơn vị và địa phương đã lập bia thờ.

Ghi tạc công lao của các liệt sĩ và thiết thực giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất cho lớp trẻ, cuối năm 2015, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh quyết định xây dựng công trình bia tưởng niệm trên diện tích 12.000m2, với nhiều hạng mục cần thiết, thỏa lòng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ”.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

(Còn nữa)

 
;
.