Đại tá Nguyễn Văn Tàu làm Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H63 từ năm 1962 đến 1969 và từ 1972 đến cuối 1973. Với thành tích hoạt động ngay giữa nội thành Sài Gòn trong thời gian dài, năm 1971, cụm tình báo H63 là đơn vị tình báo duy nhất được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
![]() |
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu năm nay 97 tuổi. |
Tiếng gọi từ trái tim
Một ngày cuối tháng 3/2025, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu trong căn nhà nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Năm nay ông đã bước sang tuổi 97 nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói hào sảng.
Xuất thân trong gia đình nghèo khó nên từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Tàu đã bươn chải để có tiền phụ mẹ. Dù vậy, cậu vẫn học tốt và nói tiếng Pháp giỏi nhất làng. Sau những năm học trường làng, cậu thi đậu thủ khoa vào trường Petrus Ký, ngôi trường danh giá bậc nhất Sài Gòn thời đó. Những năm tháng học ở đây đã cho cậu vốn liếng quý báu trong nghề tình báo sau này.
Ông còn nhớ như in những ngày đầu tham gia cách mạng năm 1945 ở tuổi 17, trong phong trào Thanh niên tiền phong tỉnh Bà Rịa. Giọng nói chậm rãi nhưng rõ ràng, Đại tá tình báo Tư Cang xúc động kể: Chàng trai 17 tuổi Nguyễn Văn Tàu ngày ấy, lần đầu tiên nghe bài “Tiến quân ca” ở Nhà Tròn Bà Rịa, đã khắc ghi trong tim lòng yêu nước nồng nàn, nguyện một lòng đi theo Đảng, chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Vào tổ chức, do biết tiếng Pháp, nên ông được chọn vào ngành tình báo, quân báo tỉnh Bà Rịa. Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, ông tập kết ra Bắc được đào tạo làm tình báo. Ở miền Bắc nhưng trong lòng ông vẫn thôi thúc phải về Nam đánh đế quốc Mỹ, vì địch không tuân thủ Hiệp định Geneva, cuộc tổng tuyển cử năm 1956 đã không diễn ra. “Tôi ráng tập luyện dữ lắm, tập luyện những kỹ thuật của tình báo, tập lái môtô”, ông kể. Ông còn mua máy ảnh, tập chụp, tráng rửa ảnh, rồi tập bắn súng ngắn hai tay, trở thành xạ thủ súng ngắn của sư đoàn.
Khi Cụm tình báo H63 ra đời, với vai trò chỉ huy, ông đã điều hành và phối hợp với những điệp viên huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn (phóng viên The Time), Tám Thảo… thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin quan trọng từ lòng địch. Những tài liệu tối mật được chuyển về từ Cụm H63 đã đóng góp trực tiếp vào các quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị, làm thay đổi cục diện chiến trường.
![]() |
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (thứ 2, bìa phải), Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (bìa trái) và 2 đồng đội Cụm tình báo H63 Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Văn Minh. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Triết lý sống “coi như đã chết”
Từ 1966 đến trước Chiến dịch Mậu Thân đợt 1, ông Tư Cang đóng vai "người bà con ở quê" làm gia sư dạy ngoại ngữ của điệp viên Tám Thảo. Còn Tám Thảo làm thư ký, phiên dịch cho một đại tá tình báo Mỹ - cố vấn tại Bộ Tư lệnh Hải quân dưới bến Bạch Đằng.
Tết Mậu Thân 1968, trên đề ra 3 khả năng, đó là chiếm lại Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực cao cấp và đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc. Miền Nam nổi dậy, lực lượng tình báo được cấp trên chỉ định khi cần thiết cũng đánh địch trên mọi tình huống. Năm đó, cấp trên trang bị cho Cụm H63 2 khẩu súng K54 và 30 viên đạn vì biết ông là xạ thủ bắn súng hai tay.
Năm 1971, Cụm Tình báo H.63 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Quân số toàn Cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động đã hy sinh 27 người, 13 người bị thương.
|
Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, ông ở nhà bà Tám Thảo, cách mục tiêu Dinh Độc Lập chỉ khoảng 200m. Gần 2h, tổ biệt động khai hỏa vào dinh nhưng nhanh chóng bị đánh bật ra, phải cố thủ trong một công trình xây dựng dở dang gần đó, cầm cự để chờ tiếp viện.
Theo dõi xuyên suốt qua ô cửa sổ trên gác và chứng kiến đồng đội 15 người đã hy sinh một nửa, đang bị vây chặt mà vẫn kiên cường đánh trả lực lượng Mỹ - ngụy, ông Tư Cang và bà Tám Thảo nhìn nhau rơi lệ. Tay súng thiện xạ quyết định chia lửa với đồng đội. Khẩu K54 giương lên, 2 phát đạn nổ, 2 sĩ quan địch tại hiện trường đổ gục. Ông Tư Cang cất súng, rút vào góc bí mật trốn kỹ vì biết chắc sẽ bị lùng bắt. Quân ngụy sau đó bao vây khu vực nhà bà Tám Thảo rất gắt. Ứng xử thông minh của Tám Thảo đã qua mặt được địch.
Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi vẫn đang núp trên lầu, trong đầu đã nảy ra suy nghĩ để dành cho mình một viên đạn. Nếu bị chúng phát hiện, tôi sẽ tự kết liễu đời mình để giữ được lòng trung với nước”.
Trong suốt những năm kháng chiến, triết lý sống "coi như đã chết" luôn là kim chỉ nam cho Đại tá Tư Cang. Triết lý ấy giúp ông và đồng đội tại Cụm H63 giữ vững tinh thần thép, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, dù hoạt động trong điều kiện vô cùng nguy hiểm nhưng đường dây thông tin của Cụm tình báo H63 chưa từng bị đứt đoạn. Những chiến công của Cụm đã trở thành niềm tự hào của toàn lực lượng tình báo B2 (Bộ Tham mưu Miền), góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc.
Đại tá Tư Cang kể lại, thời kỳ hoạt động trong nội đô Sài Gòn là giai đoạn đầy hiểm nguy khi ông phải hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau để tạo vỏ bọc.
Ông còn nhớ rõ, vào thời điểm mọi người vẫn còn bàn chuyện có nên đánh đợt 2 Mậu Thân 1968 nữa hay không và nên đánh như thế nào thì nhận được chỉ thị: “Hãy vô thành lấy cho được bản cung của Trung tá Trần Văn Đắc (tức Tám Hà), Phó Chủ nhiệm chính trị của cánh quân phía Bắc ra đầu hàng”. Nhận nhiệm vụ, ông liên hệ với ông Phạm Xuân Ẩn. Lúc bấy giờ hai điệp viên dưới “vỏ bọc hoàn hảo” là phóng viên và ông chủ đồn điền Bình Dương. Nhờ mối quan hệ, ông Phạm Xuân Ẩn mượn bản khai của Tám Hà từ người hạ sĩ quan phụ trách giữ hồ sơ để lấy thông tin viết báo.
Lấy được tài liệu, ông Tư Cang sử dụng chiếc máy chụp ảnh chuyên dụng chụp lại. Đó là bản cung khai của thượng tá Tám Hà được ghi lại tỉ mỉ qua 5 trang đánh máy dày đặc, tiết lộ ý đồ, kế hoạch, mục tiêu tấn công, vị trí đóng quân, địa điểm giấu đạn pháo của quân cách mạng. Với tài moi tin của phóng viên Phạm Xuân Ẩn, hai điệp viên của lưới H63 đã có đủ dữ kiện để báo cáo Bộ Tham mưu Miền.
Trong báo cáo của ông Tư Cang gửi về cứ, ngoài nguyên văn bản khai của Tám Hà còn có đoạn nhận định quan trọng: "Mấy ngày qua, tôi và Hai Trung (ông Phạm Xuân Ẩn) có đi tìm hiểu thêm, được biết như sau: Tổng thống Johnson chỉ thị bằng mọi cách ngăn Việt cộng tấn công đợt 2 vào Sài Gòn, có thể tuyên truyền vụ Tám Hà ra hàng đã khai hết kế hoạch tấn công mà làm cho Việt cộng chùn bước, hủy bỏ ý định tấn công đợt 2. Tôi đề nghị nếu ta có chuẩn bị thì nên tấn công vào Sài Gòn một đợt nữa. Chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi về mặt chiến lược".
Báo cáo về đến Bộ Tham mưu Miền ngày 26/4/1968 thì đúng một tuần sau, ngày 4/5/1968, tiếng súng tấn công đợt 2 Tết Mậu Thân của quân ta rền vang khắp Sài Gòn.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG