Các địa phương sẽ hoàn toàn tự quyết việc đặt tên, bố trí nhân sự tại các đơn vị hành chính cấp xã theo định hướng của Trung ương và các quy định về vị trí, chức danh.
![]() |
Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin báo chí định kỳ. |
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo cung cấp thông tin báo chí định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Việc đặt tên có gắn với con số hay không cũng do địa phương toàn quyền quyết định để đạt được hiệu quả trong quản lý và tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp,” ông Phan Trung Tuấn nói.
Về bố trí nhân sự đơn vị hành chính cấp xã, trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện tại. Cán bộ công chức cấp huyện về cơ bản sẽ được điều chuyển xuống cấp xã.
Theo ông Phạm Trung Tuấn, phương án nhân sự là vấn đề rất hệ trọng và đang thực hiện nguyên tắc là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Theo đại diện Bộ Nội vụ, Trung ương chỉ định hướng về nguyên tắc chủ trương, còn địa phương sẽ toàn quyền quyết định vấn đề bố trí nhân sự của cấp xã, có thể là bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hay lãnh đạo sở làm bí thư của một phường hoặc là một đơn vị cấp xã mới.
“Tất cả các nội dung liên quan đến bố trí phương án nhân sự, ai làm Bí thư hay làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch sắp xếp thế nào và kể cả các cơ quan chuyên môn của cấp xã hình thành sắp tới như thế nào, từng địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm,” ông Phạm Trung Tuấn cho hay.
Theo Bộ Nội vụ, việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là việc sáp nhập cơ học về địa giới hành chính mà là tổ chức lại không gian phát triển, tổ chức lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc mô hình vận hành hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương các cấp nói riêng đồng bộ với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Mục tiêu giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng bảo đảm tính kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm ổn định lâu dài; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trước ngày 10/5. Ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã.
LAN ĐỨC