KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ GIẢI PHÓNG CÔN ĐẢO

Tri ân người dẫn đường giải phóng Vũng Tàu

Thứ Tư, 26/03/2025, 17:46 [GMT+7]
In bài này
.

Trong trận tiến công của quân ta đánh trận cuối cùng ở khách sạn Palace nhằm giải phóng Vũng Tàu năm 1975, ông Trương Ngọc - người dân địa phương đã xung phong dẫn đường cho bộ đội và đã anh dũng hy sinh. Ghi nhớ công ơn này, Sư đoàn Sao Vàng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã tri ân gia đình ông Trương Ngọc bằng nhiều việc làm nghĩa tình.

Nhờ được Hội Hỗ trợ liệt sĩ tỉnh cùng chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Bảy, vợ liệt sĩ Trương Ngọc có căn nhà khang trang và có phương tiện để giải trí.
Nhờ được Hội Hỗ trợ liệt sĩ tỉnh cùng chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Bảy, vợ liệt sĩ Trương Ngọc có căn nhà khang trang và có phương tiện để giải trí.

Xung phong dẫn đường cho bộ đội

Những ngày cuối tháng 4/1975, cùng với miền Nam, khí thế tiến công của quân ta ở Bà Rịa - Vũng như vũ bão. Sau khi giải phóng hoàn toàn Bà Rịa vào ngày 27/4/1975, đêm 28/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng áp sát bãi sông ở cầu Cỏ May. Địch chống trả quyết liệt nên Bộ Tư lệnh Sư đoàn Sao Vàng quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông, hướng Long Hải. Quân ta huy động tàu thuyền của ngư dân vượt eo biển Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu. Một mũi tấn công đánh tan phòng tuyến của địch tại cầu Cỏ May. Trước tình thế này, địch rút quân về co cụm tại khách sạn Palace (số 1, Nguyễn Trãi, phường 1 ngày nay).

Hòa với tiếng súng của lực lượng vũ trang, những người dân Vũng Tàu cũng góp sức giải phóng quê hương. Ông Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cho biết, ông Trương Ngọc là một trong hai người dân Vũng Tàu dẫn đường cho Đại đội 62, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng tiến đánh vào khách sạn Palace ngày 30/4/1975.

Ông Trương Ngọc quê ở Bình Định, di cư vào Vũng Tàu sinh sống, rồi nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Bảy. Hằng ngày, ông đi ghe lưới cá trích, còn vợ bán cá ở Bãi Trước để nuôi 3 con. Ngày 30/4/1975, khi hay tin quân ta chuẩn bị tiến đánh cứ điểm cuối cùng của địch ở Vũng Tàu, ông Ngọc đã không ngại ngần dẫn đường cho bộ đội. Với sự dẫn đường của ông Ngọc, cánh quân của Sư đoàn Sao Vàng đã nhanh chóng tiếp cận, đánh tan cứ điểm của địch. 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng. Trong trận ác chiến đó, ông Trương Ngọc đã anh dũng hy sinh, lúc đó mới 33 tuổi. Ngày 4/5/1978, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ông Trương Ngọc là liệt sĩ.

Nghĩa tình tri ân

Ông Phạm Quang Lập cho biết thêm, sau ngày giải phóng, Sư đoàn Sao Vàng đã tìm kiếm thông tin về thân nhân của ông Trương Ngọc và được gặp vợ ông là bà Nguyễn Thị Bảy (hiện ở 21/8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 3, TP.Vũng Tàu). Kể từ đó đến nay, Sư đoàn Sao Vàng đã kết nối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh để tri ân thân nhân liệt sĩ Trương Ngọc.

Một trong những việc làm ý nghĩa, thiết thực nổi bật là vào tháng 10/2024, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã sửa chữa nhà cho bà Bảy. Từ nguồn vận động ông Vũ Anh Sơn (71 Nguyễn Thái Học, phường 7, TP.Vũng Tàu) hỗ trợ 30 triệu đồng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã vận động giúp bà Bảy sơn sửa lại nhà, ốp trần, giúp căn nhà cũ, xuống cấp trở nên sạch sẽ, khang trang, thoáng mát. Dịp này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, UBND phường 3, KP.1 và Chi hội cựu chiến binh khu phố (phường 3) đã tặng bà Bảy thêm tiền mặt, tivi, quạt...

Không những thế, hằng năm, vào dịp lễ, Tết, đại diện Sư đoàn Sao Vàng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đều đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Trương Ngọc. Đồng thời, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà Bảy. “Với sự quan tâm, giúp đỡ này, tôi cảm thấy ấm lòng và vơi đi phần nào mất mát người thân”, bà Bảy xúc động nói.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

;
.