Những người may cờ mừng giải phóng
Thời điểm tháng 3, tháng 4 của 50 năm trước, những cô gái trẻ ở Vũng Tàu đêm đêm chong đèn ngồi may cờ, vận động thanh niên, phụ nữ đi treo cờ, trong khí thế hân hoan sẵn sàng mừng giải phóng quê hương.
![]() |
Từ trái qua phải, bà Lê Thị Mai, bà Lê Thị Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Oanh xem lại cuốn sổ cắt may được lưu giữ từ thời kháng chiến. |
Nhiệm vụ đặc biệt - may cờ giải phóng
Ở Vũng Tàu, trong thời gian từ năm 1968-1975, có nhóm các bà, các chị hoạt động cách mạng sôi nổi. Trong số đó, có 5 chị em được cán bộ rất tin tưởng, quý mến. Họ được ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đặt bí danh lần lượt là: Xuân, Thanh, Bình, Hạnh, Phúc. Trong những ngày cả nước hướng về chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi được nghe các bà hào hứng kể lại những câu chuyện về hoạt động cách mạng, đặc biệt chuyện may cờ giải phóng ở Vũng Tàu năm 1975.
Trong căn nhà nằm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, bà Nguyễn Thị Kim Oanh mở xem tập ảnh đen trắng chụp lại thời còn con gái, nay giấy đã ngả màu. Bên cạnh là cuốn sổ cắt may được lưu giữ từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Bà Oanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Năm 1965, bà Oanh theo bà ngoại sang Vũng Tàu sinh sống, sau đó, được một người tốt bụng nhận làm con nuôi. Từ năm 1968, bà tích cực tham gia hoạt động đưa thư, rải truyền đơn. Bà được ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, quý mến, đặt bí danh là Xuân, với ý nghĩa là mùa Xuân khởi đầu, mong muốn về thanh bình, hạnh phúc. Bà thường được giao nhiệm vụ liên lạc với bộ đội để trao đổi thông tin.
Cùng hoạt động cách mạng lúc đó còn có Lê Thị Mai, được ông Trần Văn Khánh đặt bí danh là Thanh (nay sinh sống tại 876/1, đường 30/4, phường 11). Lúc bấy giờ, bà Mai là Bí thư Đoàn phường Thắng Nhì, với nhiệm vụ phát triển đoàn viên để hoạt động cách mạng.
Đầu tháng 4/1975, trong khí thế sục sôi cách mạng, bà Oanh, bà Mai vào căn cứ hoạt động cách mạng của ta ở khu vực Núi Dinh để nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị giải phóng Vũng Tàu. Đó là vận động người dân đào hầm bí mật, vận động bà con góp gạo, thóc dự trữ để nuôi quân, chuẩn bị đón cán bộ ở chiến khu về giải phóng Vũng Tàu. Ngoài ra còn có nhiệm vụ đặc biệt là may cờ giải phóng, sẵn sàng mừng chiến thắng, may băng đỏ cho “người của ta” đeo ở cánh tay, dẫn đường cho bộ đội tiến vào giải phóng Vũng Tàu.
Bà Oanh cùng 4 người thạo may, đêm đêm chong đèn dưới hầm nhà mẹ nuôi may cờ. Bà Oanh kể: “Tôi ra chợ Vũng Tàu (chợ cũ) mua mỗi lần ít mảnh vải về may dần. Hàng trăm lá cờ màu xanh, đỏ, có hình ngôi sao vàng với nhiều kích cỡ được chị em cẩn thận may đẹp. Những lá cờ lớn dài 1,6m, 2m dành để treo ở các khu vực trung tâm của Vũng Tàu... Những lá cờ cỡ trung để treo trước cổng nhà dân, các tuyến đường, còn cờ nhỏ để phát cho người dân cầm tay đi mít tinh, đi mừng giải phóng”.
Còn bà Mai cũng vận động, thành lập được tổ may cờ, tổ viết biểu ngữ, sẵn sàng mừng ngày chiến thắng.
Trước tình hình quân địch đã rệu rã, quân ta ồ ạt tiến vào Vũng Tàu, sáng 30/4/1975, lực lượng phụ trách treo cờ do những người như bà Mai, bà Oanh vận động nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Và từ sáng đến trưa hôm đó, những lá cờ giải phóng tung bay phấp phới tại các cơ sở của địch tại Vũng Tàu, nhiều nhất là ở Bãi Trước, Thích Ca Phật Đài, chợ Bến Đình, ngã tư Giếng Nước... Trước cửa nhà dân, hay trên đường phố, cũng xuất hiện nhiều cờ giải phóng, mừng chiến thắng của quân ta, mừng Vũng Tàu giải phóng.
Nữ tù kiên trung
Còn bà Lê Thị Ninh (bí danh là Hạnh), nay sinh sống tại 219C, Lưu Chí Hiếu, phường 10, hoạt động cách mạng từ lúc lên 9 tuổi. Ngày ấy, cô bé Ninh lanh lợi, lại được bố - một người hoạt động cách mạng tích cực chỉ dẫn, nên thường làm các việc như pha nước chanh phục vụ bộ đội đào đường. Hay bé chạy đi mua thuốc, kem đánh răng để bố đưa vào rừng cho các chú bộ đội.
Năm 1968, vì nhà nghèo, đông anh em, bà Ninh rời quê nhà ở xã Phước Hội (huyện Long Đất) đến sống với cô ruột ở Vũng Tàu. Tiếp tục hoạt động cách mạng, bà Ninh gặp thêm được các bạn cùng chí hướng, lý tưởng cộng sản là bà Oanh, bà Mai. Thường ngày, bà cùng các bạn giả vờ đi bán rau, mua ổi để rải truyền đơn, đưa thư cho cán bộ cách mạng. Tháng 2/1973, bà Ninh không may bị địch bắt, đánh đập, giam cầm tại các nhà giam ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), nhà giam ở Tân Hiệp (Đồng Nai). Dù vậy, bà vẫn kiên trung, không khai báo bất cứ tin tức gì và cùng bạn tù đấu tranh đòi tự do. Gần cuối năm đó, bà được thả tự do vì chính quyền ngụy không tìm được chứng cứ buộc tội.
Ra tù, bà Ninh tiếp tục hoạt động cách mạng. Đáng nhớ nhất là những ngày sục sôi khí thế giải phóng Vũng Tàu, bà cùng thanh niên, phụ nữ đi xóa cờ ba que do địch vẽ ở các tường rào, cây xanh. Bà còn phụ trách việc mua vải cho các chị em ở xóm lưới (Bãi Trước) may cờ mừng giải phóng.
Trong số 5 người được ông Trần Văn Khánh đặt bí danh: Xuân, Thanh, Bình, Hạnh, Phúc, chúng tôi không được gặp bà Bình, bà Phúc do người đã về quê, người nay đã mất.
Hơn 50 năm trôi qua, cùng nhau trải qua những ngày gian khổ, ác liệt khi hoạt động cách mạng, cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống hòa bình, giờ đây, tình đồng chí, tình bạn của bà Oanh, bà Mai, bà Ninh thân thiết như tình chị em.
Bài, ảnh: THI PHONG