Tránh lãng phí cơ sở vật chất khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Thứ Ba, 25/02/2025, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 25/2, Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (Ban Chỉ đạo) được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ rõ, lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản... gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, những lãng phí kể trên, một phần do vướng mắc về thể chế.

Theo Bộ KH-ĐT, thực hiện việc rà soát các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài thuộc Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại 26 cơ quan Trung ương và 62 địa phương có hơn 1.000 dự án gặp vướng mắc. Trong đó có 181 dự án đầu tư công, 801 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 60 dự án hợp tác công tư (PPP).

Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cho biết số lượng các dự án còn khó khăn, vướng mắc ở địa phương trên thực tế còn cao hơn nhiều do chưa thống kê hết và ở các mức độ, thẩm quyền giải quyết khác nhau.

Trong đó, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, trùng lắp quy hoạch; thiếu thủ tục giao đất, cho thuê đất; không tuân thủ thủ tục đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư; vướng mắc về vật liệu xây dựng...

Các đại biểu đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế và có cơ chế đặc biệt, đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án có sai phạm được chỉ ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án... Đồng thời, có hướng dẫn kịp thời để sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, ghi nhận ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự họp; yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xử lý kiến nghị của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống lãng phí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, được các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chung tiếp tục được tập trung hoàn thiện; kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế; rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Nhấn mạnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tồn đọng, lãng phí trong nhiều lĩnh vực như sử dụng tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, nguồn lực... (đơn cử, nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích; 9.497 cơ sở nhà đất và 9.606 tài sản công khác chưa được xử lý dứt điểm...), Thủ tướng Chính phủ cho rằng có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan là chính; đòi hỏi phải thẳng thắn nhìn nhận, có giải pháp phù hợp, kịp thời, linh hoạt, xử lý hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

THỐNG NHẤT

 
;
.