Quốc hội thảo luận Dự Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi)

Thứ Bảy, 15/02/2025, 10:21 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 15/2, tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc tỉnh nhận định: Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo đảm bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, mà trọng tâm, cốt lõi là nội dung chế định phân cấp, phân quyền.

Đảm bảo năng lực thực thi tại địa phương

Góp ý về phân quyền cho chính quyền địa phương (Điều 13), đại biểu Hùng phân tích: Phân quyền là xu hướng tất yếu của một nền quản trị hiện đại. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc giao thẩm quyền mà không đảm bảo năng lực thực thi tại địa phương, thì phân quyền sẽ không đem lại hiệu quả thiết thực.

Thực tế đã có những địa phương được phân quyền mạnh trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, đầu tư công, cấp phép dự án lớn, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về nhân lực và quy trình thực hiện, nên đã phát sinh sai phạm.

Từ đó, đại biểu đề xuất: Cần cân nhắc bổ sung phân quyền phải gắn với điều kiện về nhân lực, ngân sách và năng lực thực hiện. Cấp nào có đủ năng lực thì mới được phân quyền, nếu chưa đủ thì phải có lộ trình nâng cao năng lực trước khi nhận trách nhiệm mới. Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân quyền, trong đó quy định rõ địa phương nào đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời có cơ chế thu hồi thẩm quyền nếu địa phương làm không hiệu quả.

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Về phân cấp cho chính quyền địa phương (Điều 14), đại biểu Hùng nhận định việc phân cấp là trao quyền để địa phương có thể chủ động hơn, nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh mà không cần phải chờ trung ương phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đại biểu nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc phân cấp có thể tạo ra những tồn tại của chính quyền địa phương. Thực tế đã cho thấy, ở một số địa phương, khi được phân cấp mạnh về quản lý tài chính, ngân sách, tuyển dụng nhân sự hoặc đầu tư công, đã xảy ra tình trạng vi phạm; cho nên đại biểu Hùng đề nghị việc phân cấp phải đi kèm với cơ chế giám sát từ trung ương hoặc cơ quan độc lập. Rà soát định kỳ 5 năm một lần để đánh giá việc phân cấp. Nếu một nhiệm vụ được phân cấp nhưng thực hiện không hiệu quả, phải có cơ chế điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, ủy viên ủy ban quốc phòng an ninh của quốc hội phát biểu thảo luận tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Làm rõ ranh giới giữa phân quyền và ủy quyền

Về ủy quyền cho chính quyền địa phương (Điều 15), đại biểu Hùng cho biết Dự thảo luật đã đề cập đến cơ chế ủy quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền và ủy quyền, điều này có thể dẫn đến sự nhập nhằng trong thực hiện.

Theo đại biểu, phân quyền là giao hẳn nhiệm vụ để địa phương tự quyết định và chịu trách nhiệm. Còn ủy quyền là giao nhiệm vụ tạm thời, có thể thu hồi khi cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương đã biến ủy quyền thành phân quyền, tức là sau khi nhận ủy quyền từ cấp trên thì tự xem đó là thẩm quyền lâu dài, không có cơ chế báo cáo lại.

Từ đó, đại biểu Hùng đề xuất cần quy định rõ cơ chế giám sát việc thực hiện ủy quyền: Nếu địa phương nhận ủy quyền mà thực hiện không hiệu quả, cấp trên có quyền thu hồi ngay lập tức. Đồng thời cần giới hạn thời gian của việc ủy quyền: Không nên để tình trạng ủy quyền kéo dài mà không có đánh giá lại.

Chỉ ra một trong những điểm nghẽn lớn nhất của phân quyền hiện nay, đại biểu Hùng xác định đó là chính quyền địa phương bị ràng buộc tài chính quá chặt từ cấp trên, dẫn đến việc dù có thẩm quyền nhưng vẫn không thể thực hiện hiệu quả.

Thực tế, nhiều địa phương được giao quyền phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại không có đủ ngân sách, phải chờ cấp trên phân bổ. Vì vậy, đại biểu đề xuất cân nhắc cho phép chính quyền cấp xã, huyện có quyền tự chủ một phần ngân sách trong các lĩnh vực thiết yếu; Tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách cho địa phương theo mức độ tự chủ của từng cấp.

Về cơ cấu Ủy ban nhân dân (Điều 36), đại biểu Hùng cho biết sau khi nghiên cứu khoản 1 Điều 36, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung lại Ủy viên phụ trách quân sự trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện vì theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn gắn liền với công tác quốc phòng.

Hiện nay, các nghị quyết của Đảng và Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, trong đó Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, việc giữ lại Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban nhân dân cấp huyện là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ quốc phòng tại địa phương.

Cuối phiên thảo luận Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ các vấn đề đại biểu trao đổi.

CHÂU VŨ - ANH ĐÀO (Từ Hà Nội)

 

;
.