Trong 4 ngày (từ 12 đến 15/2), trên tinh thần khẩn trương, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã xem xét, thảo luận tại tổ, hội trường nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
![]() |
Quang cảnh phiên họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: DOÃN TẤN |
Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Tại hội trường Diên Hồng, các ĐBQH đã có những phiên thảo luận về 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và các dự thảo nghị quyết, đề án, chủ trương quan trọng khác.
Có thể thấy, việc xem xét Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, để thể chế trở thành “đột phá của đột phá”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Nổi bật trong ngày thứ Bảy (15/2), Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.
Dự án này có triển vọng mang lại hiệu quả cao. Bởi đây là tuyến đường sắt kết nối tuyến hành lang từ Lào Cai qua Hà Nội đến Hải Phòng - là tuyến hành lang quan trọng thứ hai chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam. Tuyến này được kết hợp vận chuyển 2 phương thức cả vận tải hàng và hành khách nên tính hữu dụng cao.
Theo Bộ trưởng GT-VT Trần Hồng Minh, dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Về tổng mức đầu tư dự án, qua tính toán sơ bộ khoảng 8,3 tỷ USD. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác, chi phí xây dựng ở mức 15,97 triệu USD/km.
Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ở góc độ địa phương, nơi có dự án đường sắt đi qua, cử tri Nguyễn Đình Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Hương Giang (thôn An Hòa, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái) cho rằng, đường sắt không chỉ kết nối với cao tốc Hà Nội-Lào Cai thông qua nút giao IC 14 mà còn kết nối với tỉnh Sơn La và Hà Giang thông qua các tuyến đường bộ đang gấp rút hoàn thành.
Hiện nay, phần lớn khoáng sản, nông lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái sang Trung Quốc và các nước đang phải vận chuyển bằng đường bộ xuống Hải Phòng, chi phí khá lớn và thời gian kéo dài. Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp của tỉnh giảm chi phí vận tải khi nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc và các nước.
Tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng hai con số
Thực hiện chương trình làm việc, Quốc hội đã thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì năm 2025, chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026-2030 mới có thể đạt tăng trưởng 2 con số, tạo nền tảng cho nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc thúc đẩy tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu. "Tinh thần là khó mấy cũng phải làm, phấn đấu tăng trưởng vì dân giàu, nước mạnh. Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, thì việc tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển rất quan trọng. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bởi trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%. Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để xin ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt. Về dài hạn, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Phân tích nội dung này, nhiều ĐBQH cho rằng, bên cạnh thuận lợi thì năm 2025 sẽ có nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu 8% trở lên.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói: “Chúng ta phải xem xét về vấn đề tăng năng suất lao động, đi liền với các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Phải chú trọng triển khai các dự án trọng điểm sắp tới, cũng như kế hoạch các dự án trọng điểm khác để duy trì tốc độ tăng trưởng”.
Theo chương trình, trong 2,5 ngày (từ 17 đến 19/2), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Trên tinh thần khẩn trương, "hiệu quả công việc là trên hết", các nội dung còn lại trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ tiếp tục được ĐBQH xem xét thấu đáo, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.
LAN ĐỨC