Sáng 12/2, sau phiên khai mạc, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV nghe Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên; thảo luận tại tổ đại biểu đối với Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%) nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 được nêu cụ thể: Tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp-xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Các động lực tăng trưởng gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 ngàn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 ngàn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 6,5 ngày (từ ngày 12 đến 19/2), trong đó làm việc cả ngày thứ Bảy để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy. |
Đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Chiều 12/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tại dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh quan điểm sửa đổi luật là để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tờ trình Chính phủ nêu rõ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành.
Theo đó, tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên để tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó HĐND sẽ quy định nguyên tắc số lượng đại biểu trên quy mô dân số, đặc điểm vùng miền, điều kiện kinh tế xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu, HĐND quyết định thành lập các ban và số lượng đại biểu chuyên trách, các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp…
Với UBND, sẽ giao Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch các cấp và cơ quan chuyên môn, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, từng thành viên, quyền hạn của UBND và mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền…
CHÂU VŨ-PHÚC LƯU