Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 15/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ đại biểu Số 4. Ảnh: CHÂU VŨ |
Phát biểu thảo luận tại Tổ đại biểu Số 4, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đánh giá cao sự cần thiết của nghị quyết và đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai.
Dự thảo có cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp với tình hình thực tiễn
Đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, phù hợp với Nghị quyết 57 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 158 của Quốc hội. Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh rằng thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cần có những cơ chế mang tính đột phá hơn. Đại biểu thống nhất với bố cục của dự thảo, gồm 4 chương, 19 điều, cũng như phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Khoán chi và tự chủ - Giải pháp quan trọng để thúc đẩy sáng tạo
Một trong những nội dung được đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh là cơ chế khoán chi trong hoạt động khoa học công nghệ. Theo dự thảo, ngân sách nhà nước sẽ không cấp phát trực tiếp mà chi thông qua quỹ khoa học công nghệ để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu. Đây là chính sách quan trọng, giúp khắc phục những khó khăn trong cơ chế tài chính hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý rằng để cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng quỹ, đảm bảo nguồn vốn được phân bổ đúng mục đích, tránh thất thoát và lãng phí.
Về vấn đề tự chủ trong khoa học công nghệ, đại biểu khẳng định đây là yếu tố then chốt, giúp các đơn vị nghiên cứu chủ động hơn trong vận hành, chi tiêu và triển khai dự án. Đại biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quyết toán đối với các đề tài nghiên cứu, sáng kiến kỹ thuật.
Chỉ định thầu trong chuyển đổi số: Cần cơ chế kiểm soát minh bạch
Đề cập đến cơ chế chỉ định thầu trong chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng đây là giải pháp hợp lý vì nếu áp dụng đấu thầu theo Luật Đấu thầu hiện hành, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu cũng cảnh báo rằng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo trách nhiệm của đơn vị được chỉ định thầu, tránh tiêu cực và lợi ích nhóm: “Việc chỉ định thầu cần được thực hiện minh bạch, đúng quy định, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công và đấu thầu” - đại biểu nhấn mạnh.
Đề xuất xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn tại Việt Nam
Một nội dung đáng chú ý khác trong phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Yến là đề xuất xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ tại Việt Nam. Theo đại biểu, đây là bước đi chiến lược trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung chip từ nước ngoài: “Chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, người Việt Nam rất sáng tạo. Nếu chủ động được công nghệ sản xuất chip, chúng ta sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc và nâng cao năng lực cạnh tranh”, đại biểu khẳng định. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh rằng để dự án thành công, cần có hướng dẫn cụ thể về xây dựng, vận hành và quản lý nhà máy, đảm bảo tính hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.
Miễn trừ trách nhiệm trong đổi mới sáng tạo: Cần có kiểm soát chặt chẽ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động đổi mới sáng tạo, bởi đây là lĩnh vực luôn tiềm ẩn rủi ro, không phải sáng kiến nào cũng thành công ngay từ đầu. Tuy nhiên, đại biểu cũng cảnh báo rằng cơ chế này không được trở thành kẽ hở cho lợi ích nhóm hay hành vi trục lợi: “Đổi mới sáng tạo là một quá trình thử nghiệm và rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu cơ chế miễn trừ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm, gây thất thoát ngân sách thì không thể chấp nhận được. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải thực hiện nghiêm minh, không có ngoại lệ” - đại biểu nhấn mạnh.
Cần triển khai thận trọng, có giám sát chặt chẽ
Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung mang tính đột phá, giúp tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có các cơ chế giám sát minh bạch, tránh thất thoát ngân sách và tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Với những góp ý từ đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng như các đại biểu tại các tổ đại biểu, dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi khi được Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện, qua đó thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)