Tham gia thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên tại Tổ đại biểu Số 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình với mục tiêu này.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến phát biểu tại phiên thảo luận Tổ đại biểu số 4. Ảnh: CHÂU VŨ |
Cần làm rõ về các biện pháp kiểm soát chất lượng tăng trưởng
Về tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên là một mục tiêu thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Song theo đại biểu, Đề án đặt mục tiêu GDP năm 2025 tăng 8% trở lên, vượt xa mức dự báo của các tổ chức quốc tế và mức đã được Quốc hội quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%). Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị, giá nguyên vật liệu biến động, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ trao đổi, làm rõ dự kiến sẽ có giải pháp nào để đảm bảo tốc độ tăng trưởng này không chỉ đạt được trong năm 2025 mà còn có thể duy trì trong dài hạn.
Mặt khác, đại biểu Yến cho biết, với kinh nghiệm quốc tế, tăng trưởng quá nhanh có thể đi kèm với rủi ro về lạm phát, bong bóng tài sản và gia tăng nợ công. Đề án đặt mục tiêu đẩy mạnh đầu tư công và thu hút FDI, nhưng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về các biện pháp kiểm soát chất lượng tăng trưởng, không chỉ dựa vào mở rộng tín dụng hay tăng chi tiêu công.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ đại biểu Số 4. Ảnh: CHÂU VŨ |
Có chính sách hỗ trợ các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phát triển
Về vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, để đạt mục tiêu 8% trở lên, đại biểu Yến thông tin Đề án đề xuất yêu cầu các địa phương phải tăng trưởng GRDP từ 8-10%, đặc biệt là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy chưa có đánh giá đầy đủ về khả năng hấp thụ vốn và triển khai dự án của các địa phương này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giám sát cụ thể và chính sách hỗ trợ để các địa phương phát triển thực chất, tránh tăng trưởng nóng.
Đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm
Về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%, đại biểu Yến cho rằng kiểm soát lạm phát là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đề án đặt mục tiêu CPI bình quân khoảng 4,5-5%, cao hơn mức năm 2024 (3,63%). Điều này đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm.
Đó là, áp lực từ chính sách tài khóa và tiền tệ, để đạt tăng trưởng GDP 8%, Đề án dự kiến tăng chi đầu tư công, mở rộng tín dụng và có thể điều chỉnh bội chi ngân sách. Các biện pháp này có thể tạo áp lực lên lạm phát, đặc biệt là khi cầu nội địa phục hồi mạnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về các giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, đặc biệt là chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá, và nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Thứ hai, rủi ro từ giá năng lượng, nguyên vật liệu, đại biểu dẫn chứng năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với biến động giá xăng dầu, điện và nguyên vật liệu đầu vào. Năm 2025, nếu giá cả thế giới tiếp tục tăng, có thể khiến CPI vượt ngưỡng kiểm soát. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có các kịch bản cụ thể để ứng phó, bao gồm cả việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, y tế, giáo dục mà không gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, với mức lạm phát 4,5-5%, áp lực lên đời sống người dân sẽ gia tăng, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm, đồng thời có chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất mà không đẩy chi phí lên quá cao.
![]() |
Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận Tổ chiều 14/2. Ảnh: CHÂU VŨ |
An toàn tài chính quốc gia
Về điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, Đề án đề xuất, trong trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4-4,5% GDP và nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đại biểu Yến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính quốc gia ở các khía cạnh: Rủi ro về tính bền vững của nợ công; Hiệu quả sử dụng vốn vay, cần làm rõ danh mục các dự án ưu tiên, đồng thời có cơ chế kiểm soát hiệu quả giải ngân, tránh tình trạng chậm tiến độ, gây áp lực lên ngân sách; Giải pháp tăng thu ngân sách bền vững, cần có các kế hoạch mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao để tăng nguồn thu dài hạn.
Đại biểu Yến nhấn mạnh thống nhất cao với mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bứt phá trong năm 2025. Song, đại biểu cho biết tốc độ tăng trưởng cần đi đôi với chất lượng, kiểm soát rủi ro và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc tiếp tục hoàn thiện Đề án, làm rõ các vấn đề về động lực tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và an toàn tài chính quốc gia để đảm bảo tính khả thi và bền vững của các mục tiêu đề ra.
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cũng phát biểu các nội dung quan trọng khác tại phiên thảo luận.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)