Đặt nền móng cho bộ máy Chính phủ hiện đại, tinh gọn, hiệu quả
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần 9, sáng 18/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 18/2. Ảnh: CHÂU VŨ |
Hai quyết sách quan trọng này không chỉ đặt nền móng cho một bộ máy Chính phủ hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà còn mở ra hướng đi mới trong quản trị quốc gia, phân cấp mạnh mẽ nhưng có kiểm soát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách linh hoạt và bền vững.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực điều hành, kiểm soát quyền lực chặt chẽ
Luật có những đổi mới quan trọng nhằm cải cách phương thức hoạt động của Chính phủ, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Ba nội dung trọng tâm được nhấn mạnh gồm:
Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ: Luật quy định rõ cơ quan phân cấp phải đảm bảo các điều kiện thực thi trước khi giao quyền, tránh tình trạng “khoán trắng” hay đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể trình Quốc hội cơ chế đặc thù trong các tình huống cấp bách như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp quản lý: Thủ tướng được trao quyền điều hành toàn diện nhưng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, nhằm đảm bảo tính tự chủ của từng bộ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể chỉ đạo trực tiếp để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, bảo đảm hiệu quả quản lý.
Tinh gọn bộ máy, tăng cường trách nhiệm cá nhân: Nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” được nhấn mạnh, yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, Bộ trưởng. Đồng thời, Luật cũng tạo cơ chế linh hoạt hơn về số lượng cấp phó, tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.
Việc thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đổi mới bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Cải cách cơ cấu Chính phủ: Đột phá trong tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý
Sau khi thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận và đi đến thống nhất cao trong việc tinh gọn bộ máy Chính phủ, theo đó số lượng bộ, cơ quan ngang bộ giảm từ 22 xuống còn 17. Đây không chỉ là một cuộc tinh giản hành chính đơn thuần mà là sự tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp lại các cơ quan quản lý theo hướng đồng bộ, tránh chồng chéo và nâng cao hiệu suất làm việc.
Tinh gọn bộ máy để tăng hiệu quả quản lý
Nghị quyết quy định sáp nhập nhiều bộ để tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước, gồm: (1). Bộ Tài chính (hợp nhất Bộ Kế hoạch - Đầu tư với Bộ Tài chính), giúp quản lý tài chính quốc gia và đầu tư công hiệu quả hơn; (2). Bộ Xây dựng (hợp nhất Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải), đồng bộ hóa quy hoạch hạ tầng và phát triển đô thị; (3). Bộ Nông nghiệp và Môi trường (sáp nhập Bộ NN-PTNT với Bộ TN-MT), hướng đến quản lý bền vững tài nguyên và sản xuất nông nghiệp; (4). Bộ Khoa học và Công nghệ (hợp nhất Bộ KHCN với Bộ TT-TT), thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; (5). Bộ Nội vụ (hợp nhất với Bộ LĐTBXH), giúp quản lý nhân sự, lao động và an sinh xã hội một cách thống nhất; (6). Bộ Dân tộc và Tôn giáo (tiếp nhận chức năng quản lý tôn giáo từ Bộ Nội vụ), nâng cao hiệu quả chính sách đoàn kết dân tộc và tôn giáo.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng tái cấu trúc một số chức năng của các bộ, ngành để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước, như chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục - Đào tạo, hay chuyển nhiệm vụ quản lý báo chí, xuất bản về Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch.
Việc sắp xếp này không làm mất đi chức năng quản lý mà giúp tinh giản đầu mối, nâng cao chất lượng điều hành, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực. Đây là bước đột phá quan trọng, thể hiện tư duy chiến lược, quyết tâm đổi mới trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Những lợi ích lớn từ việc cải tổ bộ máy Chính phủ
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, phương án sắp xếp lại Chính phủ sẽ mang lại bốn lợi ích lớn: (1). Tăng hiệu suất làm việc, giảm chồng chéo chức năng, việc hợp nhất các bộ có chức năng tương đồng giúp bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả; (2). Tiết kiệm chi phí, tinh giản biên chế, giảm số lượng bộ, ngành giúp cắt giảm bộ máy trung gian, tiết kiệm ngân sách mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý; (3). Nâng cao tính linh hoạt, thích ứng với thời đại mới; (4). Tạo nền tảng cho cải cách hành chính sâu rộng, khi bộ máy gọn hơn, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền hợp lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Lộ trình thực hiện bài bản để đảm bảo thành công
Bên cạnh sự đồng tình cao, các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, việc triển khai có lộ trình khoa học, chặt chẽ, không xáo trộn, gián đoạn trong quản lý. Một số vấn đề lưu ý: Sắp xếp nhân sự hợp lý, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cán bộ sau sáp nhập; Xây dựng khung pháp lý phù hợp với cơ cấu mới, đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh kịp thời; Đảm bảo quá trình chuyển giao nhiệm vụ giữa các bộ diễn ra trơn tru, tránh ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.
Bước tiến quan trọng mang dấu ấn đột phá trong cải cách hành chính
Việc Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Nghị quyết về cơ cấu Chính phủ đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ trong quản trị quốc gia. Đây không chỉ là một cuộc cải cách bộ máy, mà còn là sự thay đổi tư duy trong điều hành nhà nước, hướng tới một Chính phủ gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, đủ sức quản trị và cạnh tranh trong thời đại mới.
Với cách thức triển khai chặt chẽ và quyết tâm chính trị cao, những đổi mới này chắc chắn sẽ đưa bộ máy quản lý nhà nước Việt Nam tiệm cận với mô hình Chính phủ hiện đại trên thế giới, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)