Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội: Những quyết sách đột phá phát triển đất nước

Thứ Tư, 19/02/2025, 11:02 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 19/2, sau 6,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV đã chính thức bế mạc.

Đoạn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên bế mạc
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự kỳ họp.

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước”.

Những quyết sách quan trọng tạo nền tảng phát triển

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 04 luật quan trọng: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế đặc thù đối với một số dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thông qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bước tiến lớn trong phân quyền, phân cấp

Một trong những nội dung cốt lõi của Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương (sửa đổi) là tăng cường phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” được khẳng định xuyên suốt, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động hơn trong điều hành và quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh được trao quyền quyết định thí điểm các chính sách đặc thù, chưa có trong luật để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Những chính sách này phải được báo cáo và xin phép Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai.

Bên cạnh đó, Luật cũng xác định nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn thì giao quyền cho cấp đó, tạo cơ chế linh hoạt trong tổ chức, quản lý, tránh chồng chéo thẩm quyền giữa các cấp chính quyền.

Luật sửa đổi lần này tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhưng vẫn giữ vững tính đại diện của HĐND: (1). Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương ba cấp: tỉnh, huyện, xã; (2). Đối với các huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Cồn Cỏ…, Luật quy định UBND cấp huyện sẽ trực tiếp quản lý, không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Điều này giúp giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực điều hành; (3). Bổ sung cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với chính quyền địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý đất đai, tài chính, đầu tư công.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong điều hành, đặc biệt trong xử lý các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách mà không cần chờ phê duyệt từ trung ương, nhằm đảm bảo phản ứng nhanh, hiệu quả trước những diễn biến bất ngờ.

Một điểm mới quan trọng trong Luật lần này là đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa chính quyền địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính. Cho phép tổ chức các cuộc họp, đối thoại trực tuyến giữa chính quyền và người dân, giúp tăng cường minh bạch và giảm chi phí hành chính. Các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các thủ tục hành chính.

Luật sửa đổi lần này cũng mang đến nhiều điều chỉnh quan trọng đối với HĐND và UBND: Xác định rõ số lượng đại biểu HĐND, đảm bảo tính đại diện nhưng tránh cồng kềnh, tăng hiệu quả hoạt động; Thống nhất quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND, số Ban của HĐND các cấp, giúp đảm bảo tính đồng bộ và linh hoạt trong vận hành; Chủ tịch UBND được giao quyền lớn hơn trong điều hành, đồng thời phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, đảm bảo tính linh hoạt và trách nhiệm giải trình. Luật cũng quy định rõ cơ chế xử lý khi khuyết Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND, đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương không bị gián đoạn.

Triển khai ngay các quyết sách, hành động quyết liệt

Kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các luật và nghị quyết vừa được thông qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chính phủ cần nỗ lực cao nhất để sớm ban hành các kế hoạch, văn bản quy định chi tiết, đảm bảo thực thi hiệu quả các nội dung đã được Quốc hội thông qua.” Đồng thời, các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo sự đồng bộ, tránh chồng chéo”.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.