Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân
Sáng 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Theo Ban Chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Sau sắp xếp sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Cùng với đó, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo; giao Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản trình Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thông báo kết quả phiên họp này tới các bộ, ngành, cơ quan để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện đề án của bộ, ngành, cơ quan, dưới sự chỉ đạo của các phó thủ tướng Chính phủ được phân công chỉ đạo.
Trên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc nào, dứt việc đó”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Từ đó thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả; không bỏ chức năng, nhiệm vụ, thậm chí tăng thêm nhiệm vụ cho tổ chức, song phải hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tăng cường cho cơ sở; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước, tránh cơ chế xin-cho, chống tham nhũng vặt.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đôi với xây dựng chế độ chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong quá trình sắp xếp phải đảm bảo các nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục được thúc đẩy, không gián đoạn và hoàn thành như đã đề ra.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án sắp xếp, đảm bảo quản lý nhà nước song song với phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện luật liên quan, đảm bảo phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện đề án; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án chung của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo thời gian, chất lượng theo đúng thời gian, chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
XUÂN NGUYỄN