Quốc hội thảo luận về Dự Luật Dữ liệu
Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận Dự Luật Dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Phát biểu thảo luận về nội dung dự Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Phúc cho biết cơ bản thống nhất với nội dung và bố cục của dự thảo Luật.
Quan tâm góp ý về các chế định của dự Luật liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đại biểu Phúc cho rằng, phải làm rõ các yếu tố đảm an ninh tài nguyên dữ liệu, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn chuyển đổi số, nhất là trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có liên quan đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Đối với nội dung công khai dữ liệu và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Điều 21, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm rõ hơn sự thống nhất với Hiến pháp. Trong đó, cần quan tâm đến các nội dung bảo đảm quyền, lợi ích của chủ sở hữu dữ liệu, chủ thể dữ liệu, cần quy định rõ đối với dữ liệu mở thì cần phải được công khai để cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi khi tiếp cận, khai thác, sử dụng; đối với dữ liệu có sự hạn chế về tiếp cận, như: dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi tùy theo tính chất quan trọng mà có quy định cấp độ bảo vệ tương ứng để việc làm lộ, lọt hoặc khai thác sử dụng trái phép dữ liệu có khả năng tác động tiêu cực, nguy hại đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì không được công khai mà chỉ quy định việc tiếp cận, khai thác, sử dụng đối với những chủ thể có thẩm quyền nhất định.
Đối với nội dung về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại Điều 29, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ hơn các nguồn thu để hình thành Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cũng như các nội dung chi từ Quỹ nếu được thành lập, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, không mâu thuẫn và tạo nên mất cân đối trong hình thành các nguồn quỹ.
* Cùng tham gia phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý về quyền riêng tư và bảo mật thông tin tại khoản 8 Điều 9, đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “quyền riêng tư” để đảm bảo thống nhất với Điều 21 Hiến pháp và Điều 38 Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Đại biểu Hùng cho biết tại Điều 25 của dự thảo Luật quy định về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, nhưng chưa làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế hóa, việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ chủ quyền số của quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình chi tiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)