Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Kỳ họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Ủng hộ chủ trương đầu tư dự án
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ đồng tình mạnh mẽ đối với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam. Theo đại biểu, đây không chỉ là dự án giao thông quy mô lớn mà còn là một chiến lược quốc gia quan trọng, sẽ đem lại động lực phát triển lâu dài cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Việc đầu tư xây dựng tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ khắc phục những hạn chế nghiêm trọng trong hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt là tuyến đường sắt cũ kỹ và thiếu an toàn. Hiện nay, đường sắt nước ta đang dần mất vai trò và tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.
Đại biểu Hùng cho biết theo Tờ trình của Chính phủ, tuyến ĐSTĐC sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, giảm tải áp lực lên các tuyến giao thông khác như đường bộ, hàng không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn; góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải lớn trên hành lang Bắc - Nam. Dự báo đến năm 2050, tuyến đường sắt này cần đảm nhận khoảng 122,7 triệu lượt khách và 18,2 triệu tấn hàng hóa. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của đường sắt trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh: CHÂU VŨ |
Dự án phù hợp với các quy hoạch chiến lược quốc gia
Đại biểu Hùng nhận định: Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam hoàn toàn phù hợp với các chiến lược, quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2050, đồng thời cũng cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng về phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam là trục xương sống của hệ thống giao thông, được ưu tiên đầu tư trước năm 2030. Điều này không chỉ đảm bảo tính đồng bộ mà còn hỗ trợ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm dọc tuyến, mở rộng không gian kinh tế - xã hội theo chiều dọc đất nước.
Lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án mang lại rất to lớn
Về lợi ích kinh tế, đại biểu Hùng khảng định: Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực vận tải mà còn đóng góp vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, du lịch và tạo ra hàng triệu việc làm.
Theo tính toán như Chính phủ trình, tổng giá trị thị trường xây dựng từ dự án có thể lên đến 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả các dự án liên quan như đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, con số này có thể lên đến 75,6 tỷ USD. Đặc biệt, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt này sẽ tạo nền tảng để Việt Nam phát triển công nghiệp sản xuất và nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt.
Hiệu quả, giảm chi phí logistics và giảm phát thải môi trường
Cũng theo đại biểu Hùng, ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ giúp giảm chi phí logistics - một trong những trở ngại lớn đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên đường bộ, giảm chi phí vận hành và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26. Đây là hướng đi đúng đắn cho một phương thức vận tải bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh của thế giới.
Để triển khai dự án có hiệu quả, đại biểu cũng đề nghị Bộ GT-VT tham mưu cho Chính phủ về lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật; xem xét việc kết hợp nhiều phương thức huy động vốn khác nhau. Bên cạnh đó, Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố, đòi hỏi giải phóng mặt bằng lớn với tổng diện tích đất sử dụng ước tính khoảng 10.827ha và tái định cư cho khoảng 120.836 người. Đây là thách thức không nhỏ.
Từ đó, theo đại biểu cần thực hiện chặt chẽ các chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân tái định cư và ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm mới để người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, cần có giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên nước dọc tuyến đường sắt.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu đã thảo luận.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)