Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại

Thứ Năm, 21/11/2024, 11:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/11, tiếp tục Chương lập Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội nhận định nhu cầu phát triển nhà ở thương mại ngày càng cấp thiết, đặc biệt tại các khu đô thị và khu vực đang trên đà phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật quy định chặt chẽ các loại đất có thể được sử dụng cho các dự án nhà ở thương mại, hạn chế việc các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận quỹ đất. 

Đại biểu cho rằng, chủ trương thí điểm mà Chính phủ đề xuất sẽ tháo gỡ nút thắt này, cho phép các tổ chức kinh doanh bất động sản được thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải đất ở.

Việc ban hành Nghị quyết này sẽ giúp giải phóng tiềm năng đất đai cho các dự án phát triển nhà ở thương mại, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. 

Góp ý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết, đại biểu Hùng cho biết dự thảo Nghị quyết quy định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bao gồm cả các dự án nhà ở thương mại mà tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, cũng như các trường hợp tổ chức đang có quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc cần quy định chặt chẽ hơn về loại đất nông nghiệp nào được phép chuyển đổi.

Về các điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại, đại biểu đề nghị, cần có các biện pháp để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cấp phép, tránh những rào cản không cần thiết gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Về các tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, dự thảo Nghị quyết đã đề xuất tiêu chí rõ ràng về việc chọn lựa các dự án thí điểm, bao gồm yêu cầu dự án phải được thực hiện tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị và diện tích đất ở tăng thêm không vượt quá 30% so với diện tích hiện trạng. Đại biểu Hùng đồng thuận cao đối với các quy định này, vì đảm bảo sự đồng bộ với quy hoạch chung của từng địa phương, ngăn ngừa tình trạng phát triển dự án không theo kế hoạch, gây áp lực lên hạ tầng và ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội để đảm bảo các dự án thí điểm sẽ không gây ra hệ lụy tiêu cực đối với môi trường tự nhiên và đời sống của người dân địa phương. Ngoài ra, cần có các biện pháp đánh giá và xử lý nghiêm những dự án có biểu hiện đầu cơ đất đai, nhằm đảm bảo việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, đúng theo mục tiêu của Nghị quyết.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu đã thảo luận.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.