KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quy định rõ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 22/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về các dự án luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Hạn chế tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe

Tham gia thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung đối tượng trong các trường hợp này phải sửa đổi về giá tính thuế và mức thuế suất đã được quy định trong luật nên phải sửa nhiều điều trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước, quy định, sửa đổi, hoặc bãi bỏ các thứ thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội và được quy định trong luật, trong các trường hợp chưa thực sự cấp bách thì xem xét không giao cho Chính phủ...

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi đốt vàng mã của người dân còn phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn. Theo đại biểu, chỉ số bụi mịn tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội đang lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. “Do đó, ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã, thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này để dần thay đổi hành vi đốt mã của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu Ánh kiến nghị. 

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Tham gia thảo luận góp ý đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Tổ thảo luận số 4, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Tại khoản 1 dự thảo luật dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HDND là phải “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” (Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND).

Theo đại biểu, việc bổ sung nguyên tắc nêu trên để thể chế hóa yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. 

Về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 luật hiện hành, căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có thẩm quyền yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Theo đại biểu, Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định việc ban hành văn bản quy định chi tiết Hiến pháp. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; không quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Do đó, cần sửa đổi quy định của khoản 1 Điều 21 luật hiện hành để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

;
.