KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quốc hội thảo luận về đầu tư phòng, chống ma túy

Thứ Sáu, 08/11/2024, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Dữ liệu, buổi chiều thảo luận về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến 2030.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên  thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Công khai dữ liệu mở

Phát biểu thảo luận về Điều 21 dự thảo Luật Dữ liệu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc đề nghị, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm rõ hơn sự thống nhất với Hiến pháp. Trong đó, cần quan tâm đến các nội dung bảo đảm quyền, lợi ích của chủ sở hữu dữ liệu, chủ thể dữ liệu, cần quy định rõ đối với dữ liệu mở thì cần phải được công khai để cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi khi tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Đối với dữ liệu có sự hạn chế về tiếp cận, như: dữ liệu quan trọng, dữ liệu cốt lõi tùy theo tính chất quan trọng, mà có quy định cấp độ bảo vệ tương ứng để việc làm lộ, lọt hoặc khai thác sử dụng trái phép dữ liệu có khả năng tác động tiêu cực, nguy hại đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, thì không được công khai mà chỉ quy định việc tiếp cận, khai thác, sử dụng đối với những chủ thể có thẩm quyền nhất định.

Đối với nội dung về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại Điều 29, đại biểu Phúc đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ hơn các nguồn thu để hình thành Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, cũng như các nội dung chi từ quỹ nếu được thành lập, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, không mâu thuẫn và tạo nên mất cân đối trong hình thành các nguồn quỹ.

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại Điều 25 của dự thảo luật quy định về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, nhưng chưa làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế hóa, việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ chủ quyền số của quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình chi tiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ma túy gây nhiều hệ lụy cho xã hội

Phát biểu thảo luận góp ý đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận định: Ma túy hiện nay không chỉ là vấn đề của một vài địa phương mà đã lan rộng trên cả nước, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và an ninh. Việc đầu tư cho chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030 không chỉ đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp lý, mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Đại biểu Phúc cho rằng, đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, bảo vệ an ninh trật tự và sức khỏe của Nhân dân. Do đó, đại biểu thống nhất việc Quốc hội chấp thuận chủ chương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia này.

Góp ý về mục tiêu của chương trình, đại biểu Phúc cho biết, chương trình đặt ra 3 mục tiêu chính: Giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, có những chỉ tiêu đề ra quá cao và đòi hỏi nguồn lực mạnh mẽ, ví dụ như: Đảm bảo 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện.

Điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực. Đại biểu Phúc nhận định, hiện nay, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, còn thiếu cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Chẳng hạn, chưa có đủ điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định, chưa kể nguồn lực chuyên môn, nhân lực chuyên trách.

Việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự đảm bảo về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị, Chính phủ cân nhắc đặt ra các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi, đồng thời cần có sự rà soát, đánh giá để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chương trình.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

;
Quỹ đất lớn Lợi nhuận cao
.