KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy

Thứ Sáu, 01/11/2024, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 sáng 1/11 về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Bắt buộc bố trí thiết bị, phương tiện chữa cháy ở khu dân cư

Đại biểu Yên cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo luật gồm 9 chương, 59 điều. Dự thảo luật được Ban soạn thảo chuẩn bị khá công phu, tiếp thu sửa đổi nhiều nội dung đã được góp ý tại Kỳ họp thứ 7.

Góp ý đối với nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ (CNCH) (Điều 5), đại biểu Yên nhận thấy, trong thời đại công nghệ 4.0, các thiết bị công nghệ cao như: camera, cảm biến nhiệt, hệ thống báo động tự động… có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ cháy nổ, CNCH và kịp thời ứng phó. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc “Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCCC và CNCH” vào khoản 4, Điều 5, để các cơ quan tổ chức chú trọng hơn đến việc đầu tư công nghệ mới.

Quan tâm đến phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20) và phòng cháy đối với cơ sở (Điều 22), đại biểu Yên nhận định, hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC nhưng vẫn hoạt động, hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Điều này đòi hỏi cần có chế độ kiểm tra định kỳ và công khai kết quả.

Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đề nghị bổ sung quy định: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở”. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về việc kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC tại các cơ sở, để đảm bảo thiết bị PCCC luôn trong tình trạng hoạt động tốt và kịp thời.

Về yêu cầu PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 14), đại biểu cho biết, hiện nay, trên thực tế nhiều khu dân cư và khu công nghiệp còn thiếu các phương tiện chữa cháy cơ bản như: trụ nước chữa cháy, hệ thống thoát hiểm hoặc thiết bị chữa cháy tự động. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ yêu cầu bắt buộc về việc bố trí các thiết bị và phương tiện chữa cháy, đặc biệt là ở các khu dân cư và khu công nghiệp; bổ sung một khoản quy định rõ ràng hơn về việc bắt buộc bố trí phương tiện chữa cháy và xây dựng hạ tầng đồng bộ về PCCC tại các khu dân cư, khu công nghiệp ngay trong giai đoạn lập quy hoạch.

Tại Điều 18 về phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) cho rằng, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, nhưng dự thảo chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm PCCC của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm: chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản 5 vào Điều 18: Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo an toàn PCCC. Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định đối với công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về PCCC phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình.

Làm rõ trường hợp tình nguyện PCCC và CNCH trong tình huống khẩn cấp

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tại khoản 2, Điều 39 quy định: “Cá nhân có nguyện vọng tham gia hoạt động PCCC và CNCH tình nguyện thì đăng ký với công an cấp xã nơi cư trú để huy động khi có yêu cầu”, vậy trường hợp trực tiếp giải quyết tình huống khẩn cấp thì có cần điều kiện gì không?

Tại khoản 5, Điều 39, “Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân đăng ký tham gia PCCC và CNCH tình nguyện” đề nghị bổ sung đối tượng là tình nguyện tham gia trong tình huống khẩn cấp và giao cho cơ quan quy định chi tiết khoản này.

Thực tế đã có nhiều người tình nguyện tham gia CNCH trong trường hợp khẩn cấp để cứu người, hạn chế thương vong. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ: “Trừ trường hợp tình nguyện PCCC và CNCH trong tình huống khẩn cấp” vào cuối khoản 2, Điều 39.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

;
bảo dưỡng pccc baoduongpccc.com
.