Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, chiều 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
* Phát biểu thảo luận góp ý đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc nhận định: Ma túy hiện nay không chỉ là vấn đề của một vài địa phương mà đã lan rộng trên cả nước, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và an ninh. Việc đầu tư cho chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030 không chỉ đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp lý mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, đại biểu Phúc cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, bảo vệ an ninh trật tự và sức khỏe của nhân dân. Do đó, đại biểu Phúc thống nhất việc Quốc hội chấp thuận chủ chương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Góp ý về mục tiêu của chương trình, đại biểu Phúc cho biết Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính: Giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu đại biểu Phúc cho rằng đề ra quá cao và đòi hỏi nguồn lực rất mạnh mẽ, ví dụ như: Đảm bảo 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện.
Điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực. Đại biểu Phúc nhận định hiện nay, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Chẳng hạn, chưa có đủ điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định, chưa kể đến nguồn lực chuyên môn, nhân lực chuyên trách. Việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự đảm bảo về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ cân nhắc đặt ra các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi, đồng thời cần có sự rà soát, đánh giá để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chương trình
Về quy mô và nguồn lực đầu tư, đại biểu Phúc cho biết Tổng vốn thực hiện chương trình là: 22.450 tỷ đồng trong đó: Vốn ngân sách trung ương dự kiến cho chương trình là 17.725 tỷ đồng, cùng với 4.674 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Theo đại biểu Phúc đây là một khoản đầu tư lớn, nhưng so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, con số này còn khá khiêm tốn.
Đối với dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở cần khoảng 4.728,62 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy. Đại biểu Phúc cho rằng đây là khoản chi cần thiết để huy động người dân, hệ thống chính trị địa phương cùng tham gia phòng, chống ma túy, nhưng lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai.
Bên cạnh đó, chương trình cũng chưa làm rõ về chi phí vận hành, bảo trì sau khi hoàn thành đầu tư. Để đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ cân nhắc cơ chế đặc thù trong phân bổ ngân sách cho các địa phương khó khăn, có tính chất phức tạp về ma túy và xem xét khả năng huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác.
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về các dự án thành phần, đại biểu Phúc thông tin Chương trình được chia thành 09 dự án thành phần, trong đó có dự án 4 về nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy ở cơ sở và dự án 7 về truyền thông giáo dục về phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, trong các dự án này, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức thanh niên… còn chưa được đề cao và không có ngân sách hỗ trợ cụ thể.
Đại biểu Phúc phân tích, thực tế cho thấy, các tổ chức này có khả năng tiếp cận tốt hơn với người dân, có thể tổ chức các hoạt động truyền thông và hỗ trợ kịp thời tại các điểm nóng về ma túy. Để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, sự phối hợp của các tổ chức xã hội là rất cần thiết, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Do đó, để tối ưu hóa nguồn lực, cần thiết phải bổ sung nhiệm vụ cho các tổ chức này và bố trí kinh phí phù hợp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Về cơ chế quản lý và giám sát chương trình, Chương trình đề xuất quản lý và tổ chức thực hiện mô hình Ban Chỉ đạo các cấp theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo đại biểu Phúc nội dung và tính chất đầu tư của chương trình có những điểm khác biệt so với các chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, do đó cần có các cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn. Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm vấn đề này.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ phân định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để không chồng chéo nhiệm vụ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các hoạt động, đặc biệt là việc phân bổ nguồn vốn, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chương trình, tránh lãng phí ngân sách. Chính phủ cũng cần tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định cụ thể để giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
* Tham gia góp ý dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đỗ Văn Yên thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quảng cáo.
Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân, ĐBQH tỉnh Đỗ Văn Yên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Bày tỏ quang ngại về quảng cáo trên nền tảng số, nhưng chất lượng sản phẩm không chất lượng hiệu quả, nhất là việc sử dụng hình ảnh, lời nói của người nổi tiếng để quảng cáo nhưng sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, đại biểu Yên đề nghị cần quy định cụ thể để kiểm soát vấn đề này và có chế tài xử lý cụ thể.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại Điều 5, đại biểu Yên cho rằng trong bối cảnh hoạt động quảng cảo đang rất đa dạng trên cả báo in, báo mạng, nền tảng số xuyên biên giới thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất khó đảm đương việc thẩm tra toàn diện. Theo đại biểu nên giao về cho từng Bộ ngành liên quan đến quản lý nhà nước đối với sản phẩm quảng cáo đó thực hiện thẩm định sẽ phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu yên cũng quan tâm góp ý đối với các sản phẩm quảng cáo thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế; trách nhiệm liên đối trong chuyển tải sản phẩm quảng cáo; thực phẩm bổ sung quảng cáo trên mạng xã hội tại các điều 5, 7, 9 chưa được rõ ràng, cụ thể. Đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quan tâm thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chương trình thảo luận.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)