Đại biểu Dương Tấn Quân: Công khai danh sách tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật

Thứ Hai, 25/11/2024, 16:21 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 25/11, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 1 Điều 1, bổ sung khoản 8 Điều 2), đại biểu Quân cho biết dự thảo hiện quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chủ yếu qua mạng xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc mở rộng khái niệm này để bao quát các phương tiện truyền thông hiện có và có thể phát sinh trong tương lai, nhằm tránh bất cập pháp lý khi công nghệ và cách thức truyền tải thông điệp quảng cáo ngày càng phát triển. Đồng thời, nên phân biệt rõ giữa các đối tượng, đặc biệt là giữa người có ảnh hưởng và những cá nhân khác chỉ tham gia chuyển tải thông điệp quảng cáo, nhằm dễ dàng phân định và quản lý trách nhiệm của từng nhóm.

Về nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1, bổ sung Điều 19a), đại biểu đồng tình cao với việc cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn trong nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, dịch vụ khám chữa bệnh,….

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định theo hình thức liệt kê chi tiết vào trong luật như tại điều 19a. Vì các sản phẩm đặc biệt như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hoá chất thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Việc quy định chi tiết trong Luật có thể sẽ khiến khó điều chỉnh khi có thay đổi, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về cách thể hiện trong dự thảo luật để đạt tính linh hoạt cao.

Về việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 15 Điều 1, sửa đổi Điều 31), đại biểu Quân cho biết theo quy định hiện hành, các công trình quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m² gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng. Dự thảo Luật lần này đề xuất nâng ngưỡng diện tích yêu cầu cấp phép từ 20m² lên 40m² nhằm giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đại biểu việc nâng diện tích miễn cấp phép lên 40m² cần được đánh giá kỹ càng, bởi các công trình quảng cáo lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ về an toàn nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi lắp đặt. Các biển quảng cáo lớn, đặc biệt là với kết cấu khung kim loại hoặc gắn với công trình xây dựng cao tầng, có thể gây nguy hiểm nếu xảy ra sự cố do chịu tác động của thời tiết hoặc những yếu tố ngoại cảnh khác.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần xem xét giữ nguyên mức 20m² hoặc có cơ chế kiểm định riêng đối với các công trình có diện tích lớn hơn 20m² nhưng dưới 40m². Ngoài ra, đại biểu phân tích hiện nay đã xuất hiện các loại hình quảng cáo ngoài trời mới, chẳng hạn như quảng cáo 3D, quảng cáo dạng nhiều mặt, đa giác, gắn với các công trình xây dựng sẵn có. Nếu chỉ quy định diện tích theo một mặt quảng cáo, dự thảo có thể chưa bao quát đủ các hình thức quảng cáo hiện đại này. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho các hình thức quảng cáo mới, bảo đảm sự bao quát và tính linh hoạt trong quản lý.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình tại điểm b khoản 10 điều 1: Sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 22, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định này “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút”. Vì mỗi chương trình vui chơi giải trí hiện nay có thời lượng trung bình khoản 30 phút đến 2 giờ, có chương trình dưới 30 phút tuỳ vào thể loại. Nếu chương trình có thời lượng 30 phút mà cho phép quảng cáo đến 4 lần, mỗi lần 5 phút thì sẽ mất đến 20 phút, chiếm hơn 2/3 thời lượng chương trình là không phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm người xem, nhất là đây là chương trình vui chơi giải trí, người xem mong muốn được trải nghiệm liên tục, nếu bị ngắt quãng thường xuyên sẽ khiến người xem khó chịu, mất cảm hứng. Do đó đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá tác động ảnh hưởng đến trải nghiệm người xem đối với quy định này.

Về các quy định liên quan đến quảng cáo qua mạng và tháo dỡ quảng cáo vi phạm pháp luật (khoản 11 điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 23), đại biểu Quân đề nghị cần làm rõ hơn về yêu cầu dấu hiệu nhận diện này, đặc biệt về cách thức hiện diện như kích thước, màu sắc, để người xem dễ dàng nhận biết. Để đảm bảo tính minh bạch, dấu hiệu nhận diện này nên được yêu cầu xuất hiện ngay từ đầu và duy trì trong suốt thời gian hiển thị quảng cáo, tránh tình trạng dấu hiệu nhận diện bị làm mờ hoặc bị che khuất.

Tại điểm a khoản 6 Điều 23, quy định thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu: Việc xử lý gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, càng sớm càng tốt nhằm phòng ngừa hoặc ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng vì tốc độ lan truyền qua internet là rất nhanh và rất rộng.

Do đó, đại biểu đề xuất xem xét bổ sung quy định thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm có thể gỡ bỏ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội, ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, hay quảng cáo các sản phẩm bị cấm và đề nghị bổ sung thêm chế tài cụ thể như cảnh cáo công khai hoặc phạt nặng hơn với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc vi phạm nhiều lần.

Về xử lý vi phạm với các tổ chức nước ngoài, đại biểu đề nghị cần quy định công bố công khai danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có hành vi không hợp tác, giúp người dùng và doanh nghiệp trong nước có thể chọn lựa dịch vụ phù hợp, đồng thời tạo áp lực tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Đối với các nền tảng tái phạm nhiều lần, đề nghị có chế tài mạnh mẽ hơn, như hạn chế truy cập hoặc yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung vi phạm.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.