Trong chương trình giao lưu kỷ niệm với chủ đề “Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử” do UBND tỉnh tổ chức vào sáng 15/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, những đồng đội của một thời hoa lửa từng sát cánh trong chiến dịch như được sống lại không khí lịch sử oanh liệt của 60 năm trước.
Các chiến sĩ đại diện thế hệ trẻ hôm nay tri ân thế hệ đi trước, những người làm nên chiến thắng Bình Giã. |
Sống lại ký ức lịch sử oai hùng
Tham dự chương trình giao lưu, các cựu chiến binh đã cùng nhau chia sẻ những ký ức về công tác hậu cần, chiến đấu và sự khốc liệt của chiến tranh cũng như không khí hào hùng của thế trận Bình Giã.
Trung tá Nguyễn Văn Xích, nguyên chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 5, Đoàn Q.762, không giấu nổi xúc động khi gặp lại đồng đội năm xưa để cùng nhớ về những ngày tháng chiến đấu ác liệt ở Bình Giã. Ký ức về Chiến dịch Bình Giã mãi khắc ghi trong tâm trí của người cựu chiến binh này.
Năm đó, ông vừa mới 20 tuổi, nhiệt huyết và máu lửa. Trận đánh khiến ông nhớ sâu đậm nhất là trận tập kích diệt giặc ở Chòi Đồng. Nhận thông tin địch mở trận càn vào Chòi Đồng, cấp trên yêu cầu đơn vị ông tập kích tiêu diệt địch. Bộ đội ta tập kích đánh giáp lá cà với địch, đạn pháo bao trùm khu vực. Một trái pháo bị lạc, cắt bay đọt cây, mảnh pháo khiến một đồng đội bị thương ở đầu, máu chảy lênh láng.
“Khi được được băng bó vết thương và thăm hỏi, người đồng đội này dõng dạc nói “Báo cáo thủ trưởng, máu còn chảy về tim thì làn sóng điện không bao giờ tắt”. Câu nói đó đã thúc giục ý chí chúng tôi mãnh liệt, lúc này cái chết không còn đáng sợ mà tâm trí chỉ nghĩ đến chiến đấu, giành chiến thắng để mang lại độc lập, hòa bình cho đất nước, để Nhân dân được hưởng hòa bình, thế hệ mai sau có tương lai, hạnh phúc”, Trung tá Xích nhớ lại.
“Chiến thắng Bình Giã được ghi vào lịch sử dân tộc, một mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân và dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất tự hào vì những đóng góp lớn lao làm nên 3 quả đấm thép cho chiến dịch Bình Giã.
Tri ân những hy sinh, đóng góp lớn lao, tự hào với chiến thắng Bình Giã chúng ta càng lưu giữ phát huy những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến, xây dựng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong toàn quân, toàn dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, chiến tranh Nhân dân”.
(Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Chia sẻ và gửi gắm tới thế hệ trẻ, Trung tá Xích nói: “Tôi mong muốn tuổi trẻ phải nêu gương tinh thần của những chiến sĩ Bình Giã và thế hệ đi trước để học tập, rèn luyện và thành công dân tốt, chiến sĩ kiên cường, bảo vệ vững chắc độc lập cho Tổ quốc và xây dựng quê hương giàu mạnh”.
Cùng chung niềm vui khi gặp lại đồng đội, bà Phạm Thị Sơn, nguyên Trưởng ban Vận động thanh niên huyện Châu Thành (tỉnh Bà Rịa cũ) chia sẻ: “Tôi như sống lại thời trẻ và không khí hào hùng khi tham gia chiến dịch. Ôn lại lịch sử cũng là giáo dục thế hệ trẻ, những thanh niên phải biết học tập tinh thần chiến thắng Bình Giã để cống hiến, xây dựng quê hương đất nước”.
Tương tự, ông Huỳnh Thành Nhân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết: “Hôm nay, được gặp lại bạn bè, đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu năm xưa tôi rất xúc động. Tự hào hơn nữa là những đóng góp, cống hiến năm xưa nay được chính quyền, người dân và thế hệ trẻ ghi nhận, lưu giữ và phát huy”.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Giao lưu và được những nhân chứng lịch sử chia sẻ ký ức về một thời máu lửa, về tình yêu quê hương, tình đồng đội, tình thân và khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, làm nên chiến công oanh liệt tại Bình Giã, các bạn trẻ càng thêm tự hào, nhiệt huyết xây dựng quê hương.
Nhà nghiên cứu lịch sử PGS.TS. Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 giao lưu tại chương trình. |
Trung úy Dương Đình Quý, Trợ lý thông tin (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) chia sẻ: “Sinh ra trong thời bình nhưng khi nghe cô, chú kể về những câu chuyện thời chiến, cảm thấy con đường binh nghiệp mình chọn là đúng đắn. Được cô chú truyền lửa, tôi thêm phần tự hào và sẽ cố gắng phấn đấu, nối tiếp tinh thần và truyền thống của thế hệ đi trước, góp sức bảo vệ Tổ quốc”.
Tự hào được sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc trên quê hương Châu Đức, nơi diễn ra chiến dịch Bình Giã oai hùng, chị Nguyễn Thị Khánh, Bí thư Huyện đoàn Châu Đức chia sẻ: “Quê hương có được sự tươi đẹp, thanh bình và phát triển như hôm nay là nhờ sự cống hiến hy sinh của biết bao thế hệ đi trước. Bản thân tôi và thế hệ trẻ Châu Đức hôm nay với sức trẻ, bản lĩnh, sự tự tin, năng động và sáng tạo sẽ rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Được tiếp lửa truyền thống của thế hệ đi trước, Đại úy Thái Hoàng Phước Quốc, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 445 (Trung đoàn Minh Đạm) cho biết, mỗi câu chuyện từ ký ức chiến dịch Bình Giã mà các cô chú - những nhân chứng lịch sử chia sẻ vô cùng sống động, cho anh cảm nhận rất rõ sự khốc liệt và cả chiến thắng oanh liệt. Từ đó, thêm tự hào, ngưỡng mộ, bày tỏ lòng tri ân với những thế hệ đi trước đã cống hiến lớn lao để đất nước, và thế hệ sau có được cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc.
Các tiết mục nghệ thuật tái hiện sinh động một thời hoa lửa. |
“Trên chiến trường Bình Giã, bao người hy sinh hoặc để lại 1 phần thân thể, mất mát không thể nào đo đếm. Máu xương, tâm sức ấy làm nên chiến thắng vang dội, hòa vào đất nước quê hương, trở thành tượng đài bất tử trong tim những thế hệ sau. Tiếp nhận ngọn lửa truyền thống từ chiến thắng Chiến dịch Bình Giã, qua 60 năm vẫn mãi rực sáng, soi rọi cho chúng tôi không chỉ biết tri ân mà còn phải kế thừa sao cho xứng đáng với thế hệ tiếp nối sẵn sàng viết tiếp trang sử Việt Nam tươi đẹp, hào hùng”, Đại úy Quốc chia sẻ.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN-MẠNH THẮNG