Ngày 23/11, tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Dự luật Công nghiệp công nghệ số; Dự Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự Luật Hóa chất (sửa đổi).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ |
Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận góp ý đối với dự Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật này.
Góp ý về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số (Điều 5), theo đại biểu Hùng cần bổ sung chi tiết hơn về các cơ chế hỗ trợ tài chính và đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số tại khoản 6. Việc này bao gồm các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, hoặc tài trợ từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn đầu hoạt động.
Cùng với đó, cần quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Chính sách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái công nghệ bền vững. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số (Điều 6), đại biểu Hùng cho rằng trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, điều luật quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động con nghệ số như dự thảo còn sơ sài.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ trong bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng; quy định cụ thể trách nhiệm xử lý và đền bù thiệt hại nếu có vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu tối ưu. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi của người dân và nâng cao uy tín của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số (Điều 25), theo đại biểu Hùng nhân lực là yếu tố quyết định trong sự phát triển bền vững của ngành công nghệ số. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung rõ hơn nữa các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài công nghệ từ nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài về nước.
Ngoài ra, đại biểu Hùng đề nghị cần bổ sung quy định về khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ đào tạo nội bộ và hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực dài hạn, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh toàn cầu.
Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng khác của dự án Luật.
Quốc hội thảo luận Dự Luật Hóa chất (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Chiều 23/11, tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã tiến hành thảo luận Dự Luật Hóa chất (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho biết cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo luật.
Góp ý Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Quân cho rằng dự thảo luật hiện đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh liên quan đến hoạt động hóa chất và phát triển công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung cụ thể hơn về phạm vi quản lý đối với các hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới, đặc biệt là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường và sức khỏe con người. Việc làm này sẽ đảm bảo tính toàn diện của luật, đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu của hóa chất mới.
Về Điều 9, chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ cách thức huy động và sử dụng nguồn lực địa phương để triển khai chiến lược hiệu quả tại khoản 1, điểm d. Theo đại biểu, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều địa phương còn hạn chế về ngân sách và năng lực thực hiện, nhằm đảm bảo sự đồng bộ và khả thi trong phát triển công nghiệp hóa chất trên toàn quốc.
Về Điều 11, dự án hóa chất, đại biểu nhận định việc quy định tại khoản 2, điểm d về áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ là rất phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm yêu cầu đánh giá tác động môi trường và xã hội đối với các dự án sử dụng hóa học xanh, nhằm đảm bảo rằng nguyên tắc này được áp dụng một cách thực chất, không chỉ giới hạn ở thiết kế công nghệ mà còn mở rộng sang các khía cạnh khác của dự án.
Về Điều 18, khai báo hóa chất nhập khẩu, khoản 5 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc khai báo hóa chất nhập khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo cần bổ sung thêm các chế tài xử lý đối với hành vi cố tình khai báo sai lệch thông tin, đặc biệt là đối với hóa chất nguy hiểm. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính răn đe mà còn nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động khai báo.
Về Điều 19, vận chuyển hóa chất, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này giúp làm rõ trách nhiệm pháp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.
Về Điều 45, đăng ký hóa chất mới, khoản 3 của điều này đã quy định các yêu cầu đăng ký hóa chất mới phục vụ mục đích nghiên cứu, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế cấp phép nhanh đối với hóa chất sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, như phòng chống thiên tai hoặc dịch bệnh. Quy định này sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp thiết, đồng thời vẫn tuân thủ các yêu cầu về an toàn hóa chất.
Về Điều 50, phiếu an toàn hóa chất, quy định về phiếu an toàn hóa chất đã được xây dựng khá chi tiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần bổ sung yêu cầu cập nhật phiếu này trong một thời hạn cụ thể khi phát hiện ra các đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất. Việc này sẽ đảm bảo rằng thông tin an toàn luôn được cập nhật kịp thời, từ đó giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và môi trường.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)