Băn khoăn về nguồn lực chi cho chương trình phòng, chống ma túy

Thứ Tư, 13/11/2024, 15:43 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp chiều 13/11. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp chiều 13/11. Ảnh: CHÂU VŨ.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhận định, ma túy đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn quốc, ảnh hưởng lớn đến xã hội và an ninh. Đầu tư vào chương trình phòng, chống ma túy là cần thiết và thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe nhân dân. Vì vậy, đại biểu ủng hộ việc Quốc hội chấp thuận đầu tư chương trình này.

Góp ý về mục tiêu chương trình, đại biểu Hùng cho biết, Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. 

“Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu đề ra quá cao và đòi hỏi nguồn lực rất mạnh mẽ. Đơn cử là: bảo đảm 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.

Từ đó, đại biểu Hùng cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi chúng ta đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực. Hiện nay, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Chẳng hạn, chưa có đủ điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định, chưa kể đến nguồn lực chuyên môn, nhân lực chuyên trách.

Việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự bảo đảm về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc đặt ra các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi, đồng thời cần có sự rà soát, đánh giá để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chương trình.

Về quy mô và nguồn lực, đại biểu Hùng nhận định: “Với tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450 tỷ đồng là một khoản đầu tư lớn, nhưng so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, con số này còn khá khiêm tốn. Đối với dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở cần khoảng 4.728,62 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy.

Đây là khoản chi cần thiết để huy động người dân, hệ thống chính trị địa phương cùng tham gia phòng, chống ma túy, nhưng lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai. Bên cạnh đó, chương trình cũng chưa làm rõ về chi phí vận hành, bảo trì sau khi hoàn thành đầu tư. 

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc cơ chế đặc thù trong phân bổ ngân sách cho các địa phương khó khăn, có tính chất phức tạp về ma túy và xem xét khả năng huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác.

Về cơ chế quản lý, đại biểu Hùng đề nghị có cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn, rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để tránh chồng chéo và bảo đảm minh bạch.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang làm rõ các vấn đề các ĐBQH đã nêu lên.

CHÂU VŨ - HUYỀN TRANG

;
.