.

Vực dậy thị trường vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 17:38, 09/10/2024 (GMT+7)

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch cho năm 2025.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, với tốc độ tăng 8%. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, trong khi nhập khẩu tăng 17,3%, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Công tác đối ngoại được triển khai tích cực, đóng góp vào nâng cao vị thế và uy tín quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 vẫn đối diện nhiều khó khăn. Trong 9 tháng, bình quân mỗi tháng có 18,2 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ này cao hơn so với năm 2023. Cầu nội địa và quốc tế thấp, cùng với sự cạnh tranh cao và khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Giá đất nền tại Hà Nội tăng nhanh, đặc biệt ở các khu vực có thông tin lên quận, khiến người dân khó tiếp cận. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chưa đạt kỳ vọng.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tỷ giá. Đồng thời, cần tăng cường quản lý và giám sát thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với báo cáo và cho rằng, thị trường vàng đang tiềm ẩn rủi ro. Bà đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý để giá vàng trong nước không chênh lệch quá nhiều so với quốc tế. Về bất động sản, bà nhận định giá nhà đất cao khiến người lao động khó tiếp cận và cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở.

Bà cũng nhấn mạnh sự gia tăng tội phạm trên không gian mạng, đề nghị cần có biện pháp quản lý để bảo đảm an toàn cho người dân. Về công tác phòng, chống tham nhũng, bà cho rằng cần cải thiện việc phòng ngừa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thiên tai. Ông nhấn mạnh sự hoàn thiện thể chế đã giúp các ngành kinh tế phát triển nhanh chóng, ví dụ như ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm nay đã đạt 14/15 chỉ tiêu đề ra, cho thấy kết quả khả quan. Ông khẳng định, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã kịp thời giúp người dân và DN vượt qua khó khăn. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm sau bão lũ với tổng số tiền ủng hộ lên đến hơn 5.000 tỷ đồng là một thành công lớn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng phân tích tình hình phức tạp của thị trường bất động sản và nhấn mạnh nhu cầu nhà ở cao, nhưng giá cả đang là rào cản. Chủ tịch Quốc hội kêu gọi cần có giải pháp hiệu quả cho các dự án bị ách tắc và hỗ trợ DN gặp khó khăn.

“Cần vực dậy thị trường vốn để người dân và DN có thể vay vốn phát triển kinh doanh”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

THƯ KỲ

.
.
.