Quy định rõ phạm vi, nội dung công chứng điện tử

Thứ Sáu, 25/10/2024, 15:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ sự nhất trí với bố cục dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

đại biểu QUỐC hội Nguyễn Tâm Hùng thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng (Điều 5), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung rõ hơn các trường hợp ngoại lệ mà văn bản công chứng không có giá trị chứng cứ. Đại biểu nêu ví dụ như khi có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công chứng, hoặc khi công chứng viên có hành vi gian dối. Theo đại biểu quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch công chứng và nâng cao uy tín của nghề công chứng.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung mức phạt rõ ràng và nặng hơn đối với hành vi sách nhiễu, ép buộc người yêu cầu công chứng và đặc biệt là các hành vi gian lận, nhận lợi ích không chính đáng. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp công chứng viên gây tổn thất cho người yêu cầu công chứng.

Nhấn mạnh sự quan tâm đối với các quy định về công chứng điện tử (Từ Điều 59 đến Điều 62), đại biểu Hùng nhận định: Việc công chứng điện tử là một xu hướng quan trọng trong thời đại số hóa, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường cải cách hành chính và hiện đại hóa dịch vụ công. Đại biểu Hùng cho biết dự thảo Luật đã điều chỉnh đối với văn bản công chứng điện tử (Điều 61), đề cập đến hiệu lực và giá trị của văn bản công chứng điện tử. Tuy nhiên, theo đại biểu quy định từ Điều 59 đến 62 còn thiếu các chi tiết cụ thể liên quan đến các vấn đề như: quy trình xác thực, bảo mật, điều kiện áp dụng và trách nhiệm các bên liên quan.

Để việc thực hiện công chứng điện tử được thực hiện đảm bảo, đại biểu Hùng đề nghị cần bổ sung: (i). Quy định về phạm vi áp dụng công chứng điện tử nên được áp dụng cho các giao dịch đơn giản, không liên quan đến tài sản có giá trị lớn, hoặc những giao dịch phức tạp đòi hỏi tính bảo mật cao (như mua bán bất động sản, hợp đồng thừa kế). Quy định rõ ràng hơn về loại hình giao dịch mà công chứng điện tử có thể thực hiện; (ii). Xác thực chữ ký số và bảo mật, theo hướng bổ sung quy định Công chứng điện tử phải sử dụng chữ ký số đã được cấp và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo Luật Giao dịch điện tử. Các bên tham gia phải ký điện tử trên hệ thống được bảo mật cao và hệ thống này phải được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii). Quy định về hệ thống an ninh và bảo mật thông tin, theo đó cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin giao dịch; (iv). Quy định cụ thể để xác thực danh tính của người yêu cầu công chứng trong các giao dịch điện tử; (v). Quy định rõ ràng về trách nhiệm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng trong quá trình thực hiện công chứng điện tử.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.